Chính vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình.
Phát tờ rơi tuyên truyền về dịch cúm A bằng 2 ngôn ngữ Việt - Trung tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Chưa có vắc xin phòng bệnh
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nêu rõ: Bệnh cúm gia cầm cúm A(H5N1) lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) gây ra.
Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1) hoặc do ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh cúm A(H7N9) ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm lây sang người. Bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A(H7N9) có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp.
Có một điểm khác biệt đáng lưu ý là trong khi vi rút cúm A (H5N1) gây bệnh rầm rộ trên gia cầm thì vi rút cúm A (H7N9) biểu hiện mức độ gây bệnh trên gia cầm thấp nhưng gây bệnh trên người lại cao. Vi rút cúm A(H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm, gây nhiễm trên gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng - khác với vi rút cúm A(H5N1).
Cả 2 loại cúm gia cầm này hiện đều chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Chủ động phòng bệnh
Tiêu độc, khử trùng chuồng trại cho gia cầm. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN |
Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh cúm A (H5N1) và cúm A(H7N9) ở người, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Mọi người không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt.
Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A(H7N9) và được khám, chẩn đoán để xác định bệnh.
Ngoài ra, các bác sỹ cũng khuyến cáo: Mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể.
Biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất để phòng chống cúm cho người là giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, sử dụng thức ăn làm thông đường thở như: ớt, tỏi, hoa hồi, quế, gừng; ăn nhiều rau xanh. Một điều hết sức cần thiết là khi tiếp xúc với gia cầm phải đeo găng tay, khẩu trang…