Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm của các xã có dịch. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Cúm A/H5N1 liên tục tái phát Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ năm 2013 đến nay, các ổ dịch cúm A/H5N1 liên tục tái phát rải rác ở các địa phương trong tỉnh.
Tháng 3/2013, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở một hộ chăn nuôi tại xã Yên Phú, huyện Ý Yên, số gia cầm tiêu hủy 267 con. Tháng 2/2014, cúm A/H5N1 xảy ra ở một hộ chăn nuôi tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, số gia cầm tiêu hủy 510 con.
Tiếp đến, từ ngày 1 - 10/10/2015, cúm A/H5N1 được phát hiện ở 4 hộ chăn nuôi tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản (1 hộ) và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh (3 hộ), tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên 2.620 con. Đến tháng 12/2016, cúm A/H5N1 lại xảy ra ở một hộ chăn nuôi ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, số gia cầm tiêu hủy 2.100 con.
Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh, tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con (trong đó, 8.930 con vịt, 240 con gà).
Đến thời điểm này, 2 ổ dịch tại thôn Ngăm Hạ, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản đã qua 21 ngày, trên địa bàn xã không phát sinh thêm các trường hợp gia cầm ốm chết do cúm gia cầm nên địa phương đã công bố hết dịch.
Còn tại huyện Trực Ninh, sau khi phát hiện ổ dịch trên đàn vịt 60 ngày tuổi tại hộ ông Bùi Văn Khoản, xóm 18, xã Trực Nội với trên 980 con mắc bệnh, ngày 17/2, UBND huyện Trực Ninh đã công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Trực Nội; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp dập dịch. Đến nay đã qua 21 ngày, trên địa bàn xã này không phát sinh thêm trường hợp gia cầm ốm, chết do nhiễm bệnh. Đối với 5 ổ dịch tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận chưa qua 21 ngày, địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch.
Ngăn không để dịch lây lan
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, do thời tiết chuyển mùa, người chăn nuôi chủ quan trong công tác tiêm phòng và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch cùng với tập quán chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ là những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh và tái phát dịch cúm gia cầm.
Thời gian tới, dịch cúm vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tại một số địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt là khu vực nuôi nhiều thủy cầm, xung quanh chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có ổ dịch cũ trên địa bàn tỉnh, nhất là vào tháng 4 và tháng 5, khi các hộ chăn nuôi tập trung phát triển đàn.
Do đó, để dập dịch, không để cúm gia cầm lây lan và phát sinh các ổ dịch mới, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Nam Định chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hộ kinh doanh, vận chuyển động vật, cơ sở giết mổ, sơ chế động vật, không để tình trạng kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ban Quản lý các chợ tại các địa phương kiểm soát chặt chẽ các hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại chợ theo quy định; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực kinh doanh động vật, sản phẩm động vật sau mỗi buổi chợ. Đối với các hộ giết mổ, tuyệt đối không được giết mổ gia cầm ốm, chết.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp yêu cầu, chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng trưởng thôn, trưởng xóm, mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại hộ chăn nuôi; vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, không giấu dịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó dập dịch ngay khi phát hiện cúm gia cầm.
Cùng với đó, các địa phương tổ chức tiêm phòng 1,5 triệu liều vacxin cúm gia cầm do Trung ương hỗ trợ cho đàn gia cầm của các xã có dịch, nơi có ổ dịch cũ và khu vực nguy cơ cao; vận động các hộ chăn nuôi, nhất là các trang trại, gia trại chủ động mua vacxin tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi theo quy định.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, để phòng bệnh cho đàn gia cầm, các hộ chăn nuôi nên đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư và theo quy trình khép kín.
Các hộ chăn nuôi cần thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vệ sinh thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi; hạn chế tối đa người ra vào trại; phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải qua hố sát trùng ở cổng, đồng thời thường xuyên thay thuốc sát trùng tại các hố trước cổng để ngăn chặn virus từ bên ngoài xâm nhập vào qua các phương tiện vận chuyển...