Tạo bước chuyển biến căn bản về hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương cho biết, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW với những định hướng mang tính chiến lược, là kim chỉ nam để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới.
Để tổ chức thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 6/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trách nhiệm, tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức, thói quen chấp hành, tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Hội nghị trực tuyến này với mục đích triển khai một cách thống nhất, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg; đồng thời phát hiện, chia sẻ, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.
Trình bày báo cáo đề dẫn, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg. Theo đó, các văn bản này xác định cần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị; thực hiện đầy đủ thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg cũng chỉ rõ triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn và có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng; đổi mới đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Huy động các nguồn lực
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại bộ, ngành, địa phương, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống.
Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh cho biết, nhận thấy sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, UBND Thành phố đã ban hành "Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2018". Sau 5 năm triển khai, trên địa bàn đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả, thiết thực, gần gũi. Một trong số đó là việc xây dựng mô hình "Sách nói pháp luật".
Theo đó, mô hình Sách nói pháp luật online được thí điểm từ cuối năm 2016. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp và Thư viện sách nói Hướng Dương tổ chức khảo sát hạ tầng; xác định nội dung, lĩnh vực pháp luật thiết thực, gần gũi, đặc biệt là các quy định liên quan người khuyết tật, người mù, nhóm yếu thế trong xã hội và các đối tượng được hỗ trợ chính sách khác để xây dựng thành Bộ sách nói pháp luật.
Sau thời gian chuẩn bị và triển khai, ngày 18/4/2017, Sở Tư pháp tổ chức Lễ ra mắt Sách nói pháp luật, tặng đĩa CD đầu tiên của Bộ sách nói pháp luật cho Hội Người mù Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập và đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật trên website (sachnoionline.com), góp phần tuyên truyền 35 Luật, pháp lệnh và phát hành 2.700 đĩa CD đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các trường đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Ngoài ra, một số quận, huyện của thành phố đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật thuộc phạm vi quản lý như: mô hình chữ nổi của Quận 3, chương trình MP3 của Quận Tân Phú... Thông qua đó góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người khuyết tật, giúp họ chủ động, tự tin, vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có việc xây dựng mô hình Sách nói pháp luật để có thể đáp ứng được hết nhu cầu tiếp cận pháp luật của đối tượng đặc thù.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được Đảng ủy, ban lãnh đạo TTXVN xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. TTXVN có "2 vai" trong thực hiện công tác này, đó là tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành đồng thời tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng người dân, thậm chí cả người nước ngoài.
Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, với hệ thống cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú nước ngoài, sản phẩm thông tin của TTXVN rất đa dạng, phong phú, diện bao phủ rộng. Mảng thông tin pháp luật là một trong những nội dung quan trọng với việc xây dựng các chuyên mục như Pháp luật, An toàn giao thông, Văn bản, chính sách mới… trên cổng điện tử. Tuyến thông tin về pháp luật luôn được bạn đọc quan tâm, đón nhận. Thông tin về hành vi vi phạm pháp luật và việc xử lý cơ quan chức năng được thực hiện công phu.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền tới đồng bào dân tộc cũng được chú trọng. Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi – một sản phẩm của TTXVN luôn tìm tòi, sáng tạo để có cách tiếp cận gần gũi, dễ hiểu với bà con thông qua việc đơn giản hóa các văn bản với hình ảnh minh họa đơn giản, dễ nhớ.
Về nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại, TTXVN có ấn phẩm riêng chuyên về luật pháp bằng tiếng Anh (Tạp chí Vietnam Law & Legal Forum). Đây sản phẩm thông tin đặc thù, đang phát huy tác dụng rất tốt. Tạp chí cung cấp cho nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân nước ngoài quan tâm, mong muốn làm ăn tại Việt Nam thông tin về luật pháp, môi trường kinh doanh… "TTXVN đã triển khai nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, trên cơ sở Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; bám sát Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg, luôn đổi mới các hình thức thể hiện, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn", Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang mong muốn, thời gian tới, TTXVN tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp và các thành viên Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương để có cơ chế, nguồn lực phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với TTXVN trong công tác truyền thông, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân; từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.