Khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ: Phổ biến, giáo dục pháp luật tác động đến mọi chủ thể trên mọi lĩnh vực, vùng, miền trong cả nước, với những vấn đề chung cũng như những vấn đề đặc thù của mỗi người dân, doanh nghiệp. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, để thực hiện thành công chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bên cạnh sự quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự đồng thuận, vào cuộc của mọi chủ thể trong xã hội. Tọa đàm này có ý nghĩa rất quan trọng, là khởi đầu cho sự đổi mới toàn diện về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tọa đàm cũng là minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ thông qua Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, xã hội đang đặt ra trong công tác này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, công nghệ số cho phép thấu hiểu từng cá thể, từ đó nhu cầu của người dùng được đáp ứng và cải thiện tốt hơn. Cụ thể, nền tảng công nghệ số cho phép người dân và doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng văn bản. Thay vì người dân tự tìm kiếm, tự tìm hiểu văn bản thì các cơ quan có thể đưa thông tin, nội dung theo nhu cầu của người dân một cách chọn lọc và đúng thời điểm. Công nghệ số cũng cho phép hiểu được nhu cầu, thói quen và hiểu được khoảng thời gian nào trong ngày mà đối tượng muốn lắng nghe. Việc tuyên truyền bằng công nghệ số cũng không gây mệt mỏi, không phụ thuộc vào tâm lý, cảm giác của người đi tuyên truyền. Đặc biệt, cách thức tuyên truyền này giúp tiếp cận được nhiều người, hiệu quả hơn và với chi phí phù hợp hơn.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là tất yếu, là một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thay đổi tổng thể diện mạo, cách thức phổ biến giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Từ đó, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật không bị giới hạn về không gian, tạo sự lan tỏa rộng lớn và nhanh chóng các thông tin pháp luật chính thống; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong khai thác, sử dụng pháp luật để bảo vệ, thực thi các quyền, nghĩa vụ pháp lý.
Ông Phan Hồng Nguyên cho rằng, để chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật khả thi, hiệu quả, thiết thực, các bộ, ngành, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng dữ liệu câu hỏi và trả lời về lĩnh vực pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình và tích hợp chung vào cơ sở dữ liệu chung của cả nước do Bộ Tư pháp quản lý để chia sẻ, dùng chung, phục vụ việc tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phú Tiến, để thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi – đáp, tình huống. Hiện nay, hệ thống văn bản của Việt Nam khá phức tạp, một nội dung được quy định ở nhiều văn bản, thuộc nhiều cổng/trang thông tin điện tử khác nhau. Vì vậy, cần phát triển ứng dụng để khi người dân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước có câu hỏi hay vấn đề về quy định của pháp luật thì chỉ cần hỏi trong ứng dụng là sẽ có câu trả lời cụ thể, chứ không chỉ là tra cứu văn bản. Bên cạnh đó, nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa cần phát triển để phục vụ các đối tượng người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa giống như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Đặc biệt, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số.