Theo tác giả bài viết, kinh nghiệm của Việt Nam về các biện pháp ứng phó và chuẩn bị chống dịch có lẽ đã giúp người dân trong nước sẵn sàng hơn về tâm lý trong việc tuân thủ các biện pháp y tế công cộng của trung ương. Sau dịch SARS, Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế công cộng và hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng cấp quốc gia.
Với số trường hợp mắc COVID-19 ở mức thấp, Việt Nam quyết định xét nghiệm để xác định các cụm và ngăn chặn dịch lây lan mạnh hơn. Khi phát hiện sự lây lan trong cộng đồng (dù chỉ một trường hợp), chính quyền phản ứng nhanh chóng bằng cách truy tìm nguồn lây, phong tỏa cấp địa phương và xét nghiệm diện rộng để đảm bảo không bỏ sót trường hợp nào.
Tác giả nhấn mạnh một khía cạnh đáng chú ý trong cách tiếp cận của Việt Nam là xác định và cách ly các trường hợp nghi nhiễm, chứ không phải chờ họ có biểu hiện các triệu chứng hay không. Ngăn ngừa lây lan cho nhân viên y tế và từ nhân viên y tế sang cộng đồng cũng là một chiến lược ngăn chặn quan trọng của Việt Nam.
Cũng theo bài viết, để chuẩn bị ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tăng cường hơn nữa các quy trình kiểm dịch tại bệnh viện để ngăn ngừa lây nhiễm trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngày 19/2/2020, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 trong các cơ sở y tế.
Tài liệu này cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các bệnh viện về sàng lọc, tiếp nhận và cách ly các trường hợp được xác nhận hoặc nghi nhiễm COVID-19, thiết lập các khu vực cách ly trong bệnh viện, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE), làm sạch và khử trùng bề mặt môi trường, quản lý chất thải, thu gom, bảo quản, đóng gói và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong phòng thí nghiệm, xử lý hài cốt của các trường hợp đã xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19, và hướng dẫn phòng ngừa COVID-19 cho người thân và khách đến thăm bệnh nhân.
Tác giả bài viết nêu rõ Chính phủ Việt Nam tuyên truyền một cách rõ ràng và mạnh mẽ về sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 ngay cả trước khi có báo cáo về trường hợp đầu tiên. Phản ứng của Việt Nam đối với dịch COVID-19 là rất đặc biệt. Dù một số thành công của Việt Nam xuất phát từ bối cảnh đặc thù của đất nước, song nhiều bài học từ Việt Nam có thể áp dụng rộng rãi.
Ngoại trừ vụ bùng phát ở Đà Nẵng vào tháng 8/2020, Việt Nam ít nhiều đã kiểm soát và ngăn chặn sự lây truyền của cộng đồng trong cả năm, đồng thời giữ cho nền kinh tế đủ mở để tạo điều kiện cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngay cả sự bùng phát ở Đà Nẵng cũng được ngăn chặn một cách nhanh chóng, nhờ kết hợp nhiều phương pháp hiệu quả nhất mà đất nước nỗ lực đầu tư phát triển theo thời gian. Không một quốc gia nào có quy mô như Việt Nam đạt được mức độ thành công như vậy.