Nhiều chính sách giảm rác nhựa trên biển
Hướng đến việc xây dựng hoàn thành mục tiêu 14.1 trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc về ngăn ngừa và giảm thiểu các loại hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Việt Nam đã nỗ lực thể hiện qua các cam kết chính trị cũng như các hoạt động thực tiễn quản lý giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt là các chính sách đã ban hành như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 14/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công bố Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW...
Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phải “chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực”; “thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đến năm 2030 đặt ra các yêu cầu: “Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương”, “Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát quản lý rác thải nhựa đại dương”.
Thực hiện các chủ trương trên và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chủ động tham gia cùng nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc để bàn về các giải pháp, chính sách cơ chế giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và đạt được một số kết quả tích cực.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ Dự án. Được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ, Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Dự án có 4 hợp phần chính gồm: truyền thông, hỗ trợ chính sách, đô thị giảm nhựa và khu bảo tồn biển. Dự án được triển khai trên 7 tỉnh, thành phố, huyện gồm: tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Phú Yên, Long An, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và 3 khu bảo tồn biển gồm: Cù Lao Chàm, Côn Đảo và Phú Quốc.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các dự án cụ thể của địa phương để giảm thiểu việc sử dụng nhựa một lần và tăng cường tái chế. Đây chính là hiệu quả có được từ việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia của WWF Việt Nam, cho biết: Với mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, WWF Việt Nam đánh giá cao sự tham gia chỉ đạo và cam kết của Chính phủ Việt Nam nói chung, của thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) nói riêng trong các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. Đối với thành phố Đồng Hới, sự quyết tâm chỉ đạo và nỗ lực của các cấp chính quyền cùng sự tham gia tích cực của người dân là những yếu tố quan trọng nhất mang đến sự thành công của Dự án, tạo tiền đề xây dựng thành phố Đồng Hới trở thành một Đô thị giảm nhựa trong thời gian không xa.
Quyết liệt ngăn rác nhựa biển trong tương lai
Trên cơ sở tình hình thực tiễn triển khai việc quản lý rác thải nhựa đại dương và tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương trong quý II năm 2021; chuẩn bị tốt và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc được tổ chức vào tháng 2/2021 sắp tới.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng các địa phương ven biển sẽ chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc huy động nguồn lực xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hành động, công việc, nhiệm vụ... để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 14/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Để các chủ trương, chính sách về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ở nước ta đi vào thực chất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ: Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của mọi người dân về những ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Từ đó sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với phụ nữ, qua đó khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, cũng như việc thu gom, phân loại, tái chế và sáng chế các sản phẩm nhựa có thể sử dụng cho nhiều mục đích.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách và pháp luật cần được tăng cường để tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả, với tư duy mới về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, tiếp cận vòng kín, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, cũng như những biện pháp khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; cần tạo điều kiện nhân rộng các mô hình công sở, doanh nghiệp, cộng đồng và thành phố không rác thải nhựa để có thể huy động được sự tham gia tích cực hơn từ các doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển bên cạnh công tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các quốc gia trong vùng và trên thế giới để thực hiện các chương trình quản lý và phòng chống chất thải nhựa đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam) và sẽ tổ chức Lễ khởi động Chương trình Hành động quốc gia về nhựa và Lễ khởi động Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.