Ngày 20/3, thông tin đến các cơ quan báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trong năm 2018, Hà Nội sẽ triển khai hoạt động 5 xe ô tô kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về an toàn thực phẩm để xét nghiệm dư lượng hóa chất trong rau củ quả, thức ăn ngay tại các chợ, siêu thị, các cơ sở dịch vụ ăn uống... Qua đó, mở rộng việc sàng lọc, hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Nhân viên thú y kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một hộ kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối Nam Hà Nội, quận Hoàng Mai. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc triển khai các xe xét nghiệm nhanh rất hữu ích đối với các đoàn thanh, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi kết quả kiểm tra có ngay nên những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ lập tức bị thu hồi, ngăn chặn không cho lưu thông, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Hiện Sở Y tế và Công thương, mỗi đơn vị được giao quản lý 2 xe, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý 1 xe.
Cũng trong năm 2018, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện nay, Hà Nội có đến 60 chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; đồng thời phối hợp với các tỉnh trong quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn được sản xuất và cung ứng ngay trong địa bàn thành phố…
Đáng chú ý, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiến tới xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Hà Nội sẽ nâng cao công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm với việc quy định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Theo đó, trong năm 2018, mỗi xã sẽ có chức danh công chức kiêm nhiệm theo dõi công tác an toàn thực phẩm; chuẩn bị các bước để triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã…
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm ngăn chặn thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn còn tồn tại hiện nay như một bộ phận không nhỏ người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng vì lợi nhuận trước mắt. Người tiêu dùng đôi khi còn dễ dãi trong mua bán thực phẩm mà không biết rõ nguồn gốc và lựa chọn sử dụng dịch vụ kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, còn nhiều chợ tạm, chợ cóc, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm… Đặc biệt, sự vào cuộc của chính quyền địa phương cấp xã còn chưa quyết liệt, việc kiểm tra chủ yếu là nhắc nhở. Nhân lực chuyên trách an toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện; đặc biệt là tuyến xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những tồn tại nêu trên đã gây khó khăn cho công tác quản lý, ngăn chặn thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường.
Năm 2017, với 3 xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm trên 1.100 mẫu, trong đó có 85 mẫu còn tồn dư hóa chất, chất cấm... Ngoài ra, các đoàn liên ngành đã thanh, kiểm tra trên 111.100 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 7.221 cơ sở với số tiền phạt trên tỷ đồng.