Trên tuyến cao tốc số lượng hầm chui, cầu vượt quá ít, người dân hai bên đường đi lại gặp nhiều khó khăn; tình trạng lấn chiếm hành lang trên tuyến đường vẫn diễn ra, gây mất an toàn giao thông.
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN |
Vấn đề chi tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) mới chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch 13 tỷ đồng, còn 1,2 tỷ đồng chưa chuyển.
Huyện Long Thành đã nhận hơn 353 tỷ đồng, trong đó kinh phí chấp thuận quyết toán là trên 329 tỷ đồng, còn gần 23 tỷ đồng chưa quyết toán. Huyện Cẩm Mỹ còn hơn 800 triệu đồng tiền giải phóng mặt bằng chưa chi trả và khoảng 20 tỷ đồng cho công tác di dời cơ sở hạ tầng. Chỉ có huyện Thống Nhất là đã thanh quyết toán đủ với chủ đầu tư gần 58 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Theo đại diện các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, với dự án đường cao tốc thì phải xây dựng nhiều đường gom dân sinh, cầu vượt, hầm chui để người dân hai bên tuyến đi lại được bình thường, song tại đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây số lượng công trình này rất ít.
Điều này gây bất lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Thiếu hầm chui, cầu vượt dẫn đến tình trạng dân tự ý lấn chiếm, vi phạm hành lang đường cao tốc. Tại một số điểm trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây , dân tháo gỡ hàng rào kẽm gai 2 bên đường; tự ý mở hàng rào để lưu thông bên trong hành lang.
Ông Nguyễn Bôn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai đã nhiều lần yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm đường gom dân sinh, cầu vượt, hầm chui ở đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Nếu có đường, cầu vượt thì tình trạng vi phạm hành lang an toàn trên tuyến cao tốc sẽ chấm dứt.
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để giải quyết những bất cập trên, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục thanh quyết toán tiền bồi thường với chủ đầu tư; phối hợp rà soát nhu cầu về đường dân sinh, mương thoát nước, hầm chui để lên phương án xây dựng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân không xâm phạm vào đường cao tốc.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55km với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng; đi qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai; quy mô 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế từ 100 – 120 km/h. Tháng 2/2015, toàn tuyến cao tốc thông xe.