Do khô hạn, đàn cừu được di chuyển xuống lòng hồ Phước Trung, huyện Bác Ái để có thêm thức ăn, nước uống.
|
Hiện nay, hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương trong tỉnh đã gây ra tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng, nhiều diện tích phải ngưng sản xuất, nghề chăn nuôi cũng bị tác động lớn, gây thiệt hại không nhỏ.
Thiếu nước nghiêm trọng Ninh Thuận là địa phương có hệ thống công trình thủy lợi tương đối nhiều, với 21 hồ chứa nước lớn nhỏ, tổng dung tích chứa hơn 194 triệu m3. Tuy nhiên, đa số các hồ chứa lại không có nguồn cung, chủ yếu tích nước mưa để tưới tiêu. Do vậy cứ vào đầu mùa khô, Ninh Thuận lại phải mặt với nhiều khó khăn về nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, nghiêm trọng hơn là thiếu nước phục vụ cho chăn nuôi.
Thực tế tình hình khô hạn mới diễn ra trong hơn 3 tháng qua, thế nhưng 9/21 hồ chứa của các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Thực trạng trên đã buộc người dân phải cắt giảm hàng trăm hécta diện tích đất sản xuất, nhiều nhất là tại các huyện Thuận Nam, Ninh Hải và Bác Ái để tránh thiệt hại do thiếu nguồn nước tưới.
Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 21 hồ chứa do Công ty quản lý thì hiện lượng nước chỉ còn khoảng 125 triệu m3. Tuy nhiên, đã có 8 hồ chứa lượng nước dưới 0,5 triệu m3, còn 1 hồ chứa đã trơ đáy hoàn toàn. Dự báo các hồ chứa nhỏ gồm: hồ Phước Nhơn, Phước Trung thuộc huyện Bác Ái; hồ Suối Lớn, Bầu Ngứ thuộc huyện Thuận Nam; hồ Tà Ranh, Bầu Zôn thuộc huyện Ninh Phước và hồ Ông Kinh thuộc huyện Ninh Hải có khả năng xảy ra hạn cục bộ.
Tại địa bàn xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, hơn 3 tháng qua, hồ Ông Kinh đã cạn trơ đáy. Gần 150 ha đất nơi đây đã phải ngưng sản suất, các hoạt động chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đã có thiệt hại bước đầu do gia súc thiếu thức ăn, thiếu nước uống.
Bà Phan Thị Liên, ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho biết, gia đình có 6 sào đất sản xuất. Vì thiếu nguồn nước tưới nên gia đình cắt giảm diện tích sản xuất, chỉ trồng có 3 sào ớt và hành nhưng cũng phải tưới luân phiên. Sau vụ Đông Xuân này chắc có lẽ sẽ không trồng trọt nữa vì thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thiếu nước tưới là khó tránh khỏi.
Với người dân ở huyện miền núi Bác Ái, không hy vọng có nguồn nước để sản xuất, chỉ mong có nước để cho gia súc uống nhưng cũng đã là quá khó khăn. Từ đầu năm đến nay, khô hạn đã làm nhiều vùng chăn nuôi ở Bác Ái chẳng khác gì vùng sa mạc, đồng khô, cỏ cháy. Nhiều hồ chứa trên địa bàn huyện đã bắt đầu cạn kiệt nguồn nước. Vì thiếu thức ăn, nước uống, nhiều trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ đã lâm vào cảnh khốn khó, dê cừu suy kiệt và chết mọi ngày, không thể cứu vãn.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát để kịp thời ứng phóNgười chăn nuôi cừu ở huyện Bác Ái phải mua sữa cho cừu con uống để tránh bị suy yếu.
|
Để không tái diễn kịch bản thiệt hại về sản xuất và chăn nuôi do khô hạn tác động như cách đây 3 năm (năm 2015), lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận liên tục thị sát thực tế, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát kỹ tình hình sản xuất, chăn nuôi tại các địa phương để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó kịp thời.
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua rà soát tình hình tại các địa phương, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc là Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tăng cường công tác quản lý nguồn nước tại các hồ chứa. Duy trì, củng cố tổ dùng nước PIM để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp nông - lộ - phơi, nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không xả nước tưới cho cây trồng ngoài kế hoạch, ưu tiên nước để dành cho gia súc uống tại các hồ chứa như hồ Phước Nhơn, Phước Trung, Bà Râu, Bầu Ngứ, Bầu Dôn và Tà Ranh. Đối với các hồ còn lại, chủ động khuyến cáo để các địa phương có phương án thực hiện triệt để việc chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý, ưu tiên nước uống cho gia súc, nước sinh hoạt trong điều kiện xấu nhất xảy ra.
Những ngày qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã trực tiếp đến từng trang trại chăn nuôi ở các địa phương để thống kê, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc trong điều kiện hạn hán, thiếu nước; khuyến cáo người chăn nuôi bán bớt số lượng tổng đàn để dễ quản lý, có kinh phí lo mua thức ăn, nước uống bổ sung cho gia súc; đồng thời khẩn trương di chuyển đàn gia súc xuống những nơi có điều kiện như ở vùng trũng thấp để có nguồn nước sạch, có thức ăn tự nhiên cho gia súc. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chủ động trồng cỏ, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc, bởi theo dự báo khô hạn có thể diễn ra gây gắt và kéo dài.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho biết, để không bị động về nước tưới, Trung tâm cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chủ động thực hiện phương án sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa tới. Theo đó, ngoài một số diện tích phải ngưng sản xuất do hồ chứa cạn trơ đáy, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện chuyển đổi gần 900 ha đất trồng lúa sang trồng cây trồng cạn, trồng hoa màu để tiết kiệm nước tưới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích sản xuất lúa, kể cả hoa màu để phù hợp với điều kiện thiếu hụt nước hiện nay. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp, đặc biệt là công nghệ tưới tiết kiệm nước để đưa vào sản xuất.
Hiện nay, chính quyền các cấp ở Ninh Thuận đang tăng cường công tác dự báo, cảnh báo hạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước; đảm bảo cung cấp nước theo thứ tự ưu tiên khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước. Trước mắt ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc rồi sau là nước cho sản xuất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tình hình hạn hán, thiếu nước, tự giác sử dụng các biện pháp để tiết kiệm nước tối đa, không để xảy ra tranh chấp nguồn nước, tự ý lấy nước từ các kênh; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn đắp, đào mương lấy nước không theo kế hoạch tưới.