Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp. |
Theo phản ánh ý kiến chất vấn đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước, tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai thuộc xã Đăng Hà diễn ra vào ban đêm kéo dài đến tận 3-4 giờ sáng. Khu vực xã Đăng Hà “gồng mình” vì nạn khai thác cát gây sạt lở, khiến cử tri phản ánh từ năm này qua năm khác.
Nhiều ý kiến cử tri gửi đến diễn đàn muốn làm rõ tình trạng này. Thậm chí, người dân đề nghị thuê ghe chở cán bộ Tài nguyên và Môi trường đi khảo sát để nắm rõ thực trạng sạt lở. Họ còn ghi chép đầy đủ trên 60 xe chuyên vận chuyển cát để cung cấp cho cơ quan chức năng. Đáng chú ý là việc tồn tại một bãi cát “lộ thiên” rộng hàng chục nghìn mét – đại biểu Nguyễn Văn Thành cho hay.
Ông Ma Ly Phước (Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước) cũng nêu vấn đề, cát xây dựng là tài nguyên quý của quốc gia nhưng thực trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai chưa được các ngành chuyên môn công khai về mức thuế mà các đơn vị khai thác cát đã đóng cho nhà nước. Minh bạch trong kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm về khai thác cát cũng cần được làm rõ bởi đang gây sạt lở bờ sông, đe dọa đến sản xuất của người dân trong khu vực.
Một đại biểu khác nêu ý kiến, tại khu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Đăng Hà không chỉ có một đơn vị có phép khai thác cát mà người dân còn phát hiện một đơn vị khác cũng thường xuyên khai thác trên đoạn sông này; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình rõ về việc này.
Giải trình về các ý kiến nêu trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước Nguyễn Song Đoàn cho biết, hiện chỉ có Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại - Dịch vụ Trường Phát được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Bù Đăng. Qua quá trình khai thác công ty này có nhiều sai phạm, sai tới đâu phạt tới đó, tái diễn nhiều lần với mức phạt hàng trăm triệu đồng.
Tỉnh không thể yêu cầu ngừng hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, để hạn chế khai thác cát gây sạt lở trên sông, Sở đã yêu cầu Công ty Trường Phát đánh giá trữ lượng còn lại của mỏ, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở và thiết kế mỏ; yêu cầu doanh nghiệp này đảm bảo các quy định về môi trường nếu gây hậu quả sạt lở. Về phía cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, sẽ đình chỉ hoạt động nếu xảy ra sạt lở từ khai thác cát - ông Đoàn khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở cũng thừa nhận, kiểm soát thực trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai là việc khó khăn. Sở đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra chấn chỉnh, nhưng về lâu dài vẫn cần phối hợp của lực lượng công an và chính quyền địa phương để xử lý nạn khai thác cát vào ban đêm.
Làm rõ thêm về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho hay, hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng đã ký kết về phối hợp trong quy chế khai thác trên sông Đồng Nai. Hiện phía Lâm Đồng đã ngừng cấp phép khai thác cát. Còn Bình Phước đang trong quá trình xây dựng, nguồn cát trên địa bàn tỉnh khá hiếm, phải nhập từ Bình Dương, Đồng Nai nên vẫn cho phép duy trì khai thác cát để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng.
Hiện đã có vật liệu xây dựng khác thay cho cát nhưng giá thành khá đắt đỏ - ông Minh nhận xét. Tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nên nhu cầu về vật liệu xây dựng nhiều. Nếu ngưng khai thác cát sẽ ảnh hưởng lớn đến các công trình trên địa bàn. Do đó, việc khai thác cát tại đây vẫn tiếp tục đến năm 2018.
Ông Minh đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vấn đề nếu có phát hiện sai phạm trong khai thác cát, gây sạt lở bờ sông; đồng thời yêu cầu chính quyền huyện Bù Đăng tích cực trong việc kiểm tra phát hiện và xử lý tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai bởi huyện nắm rõ nhất diễn biến trên địa bàn này.