Người dân chở đất, đá đến đổ trước cổng, không cho nhà máy hoạt động. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Bà Lê Thị Đây (51 tuổi) có nhà ở cách Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi khoảng hơn 200 m phản ánh: Ban đầu, người dân tưởng rằng có người nướng mực, nướng cá gây mùi nhưng sau đó mới biết là khí thải ra từ nhà máy. Vào thời điểm 15-16 giờ hàng ngày, mùi hôi thối phát tán theo gió nồng nặc.
Cách nhà máy không xa, những hộ kinh doanh tại ngã tư Thiên Đàng cũng phải chịu cảnh ô nhiễm. Nhiều người không dám đến các cửa hàng ăn uống ở khu vực ngã tư này vì lo lắng mùi hôi phát tán ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều hôm, vào ban đêm, khi người dân đang chuẩn bị đi ngủ, nhà máy lại hoạt động nhả khói ra môi trường, từng luồng khói thốc vào khiến người dân rất khó chịu.
Theo nhiều hộ dân, đại diện của nhà máy có xuống họp với dân và cam kết dừng hoạt động trong 20 ngày để xử lý dứt điểm mùi hôi. Tuy nhiên, sau thời gian đó, khi nhà máy được vận hành trở lại, mọi việc lại... đâu vào đấy. Bức xúc, nhiều người đã kéo đến trước cổng nhà máy, thậm chí còn chở đất đá đến đổ đống chặn xe ra vào nhà máy.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Triều, chủ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi cho hay: Nhà máy được xây dựng với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Nhà máy được đưa vào vận hành trong khoảng 2 tháng nay nhưng thực tế chỉ hoạt động được hơn 20 ngày do người dân ngăn cản.
Theo ông Hải, nhà máy đã triển khai các phương án khắc phục ô nhiễm như đã tiến hành khâu dập cá bằng hơi nước và than hoạt tính sơ dừa, sục ozon, sau đó mới bắt đầu đốt nên khí thải ra không có mùi hôi.“Số tiền đầu tư nhà máy, doanh nghiệp phải vay ngân hàng và trả lãi suất cao. Việc người dân kéo đến ngăn cản không cho nhà máy hoạt động khiến doanh nghiệp tổn thất rất lớn”- ông Hải cho biết thêm.
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn thông tin: Huyện đã chỉ đạo lực lượng công an xuống hiện trường kiểm tra, yêu cầu các đối tượng quá khích chở đất đá đến đổ trước cổng nhà máy phải dọn dẹp ngay, trả lại mặt bằng cho nhà máy. Huyện yêu cầu phía nhà máy phải có hướng giải quyết hiệu quả hơn. Nhà máy vận hành bình thường để đoàn kiểm tra liên ngành của huyện xuống khảo sát, đánh giá tác động môi trường, xem có ô nhiễm hay không để có câu trả lời chính xác cho người dân.