Diện tích đất sản xuất bị "trôi sông" tại địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng do bị khai thác cát trái phép. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Vào mùa mưa, nước sông Đồng Nai cuồn cuộn chảy từ hướng huyện Đạ Huoai về hạ lưu thuộc huyện Cát Tiên. Khác hẳn cách đây vài tháng, tại những mỏ cát lộ thiên không còn cảnh tấp nập xe tải, máy móc gầm gào hoạt động hết công suất. Cả một đoạn sông dài vắng bóng thuyền và sà lan hút cát, những “vòi bạch tuộc” cũng được đưa lên khỏi lòng sông, nằm im lìm trong bãi tập kết cát.
Tại mỏ khai thác của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà (đoạn cửa ngõ vào thị trấn Cát Tiên), những chiếc máy múc nằm trơ trọi giữa kho cát. Không còn vận hành máy móc, nhiều công nhân cũng tạm nghỉ để làm việc khác. Một người tự nhận là quản lý bãi cát này cho biết, từ khi tỉnh ra quyết định tạm dừng khai thác, doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh. Các thuyền hút cát đã ngừng khai thác nhưng số cát tồn dư còn khá nhiều và vẫn cung cấp đủ cho thị trường.
Khảo sát thực tế tại một số mỏ cát khác dọc sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Cát Tiên, hầu hết các đơn vị đều chấp hành tốt lệnh tạm ngừng khai thác.
Theo thống kê, toàn huyện Cát Tiên có 9 điểm khai thác cát được cơ quan chức năng cấp phép cho 5 đơn vị, cá nhân trên đoạn sông Đồng Nai với tổng chiều dài hơn 32km. Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các đơn vị trên tạm ngừng khai thác cát với thời hạn 3 tháng để bảo vệ dòng sông này sau một thời gian bị sạt lở nhiều do ảnh hưởng của khai thác khoáng sản.
Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng có quyết định tạm dừng hoạt động khai thác cát trong thời hạn 2 tháng tại 7 địa điểm trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Đạ Tẻh, đã cấp phép cho các tổ chức, cá nhân trước đó.
Ông Huỳnh Trí, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cát Tiên thông tin, sau khi có chỉ đạo của tỉnh, huyện đã mời các đơn vị đến ký cam kết thực hiện nghiêm việc tạm dừng khai thác cát, đồng thời thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về hoạt động khai thác cát trên địa bàn. “Huyện đang xây dựng kế hoạch, thành lập tổ kiểm tra liên ngành để giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân về việc tạm dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai”, ông Trí cho biết thêm.
Qua rà soát hoạt động khai thác cát trên địa bàn, huyện Cát Tiên đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi hai giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường và Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà do việc khai thác của hai doanh nghiệp này không những làm sạt lở đất dọc bờ sông Đồng Nai mà còn vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản, các quy định liên quan và tái phạm nhiều lần.
Từ đó, tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản tại huyện Cát Tiên, cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường tại mỏ khai thác tại xã Đức Phổ, xã Phù Mỹ và thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên).
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù phía tỉnh Lâm Đồng đã tạm dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai nhưng có doanh nghiệp vẫn được tỉnh Bình Phước cấp phép khai thác cát trên con sông này, làm ảnh hưởng đến mục đích chung là bảo vệ dòng chảy và lòng sông Đồng Nai. Mới đây, tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước xem xét, chỉ đạo tạm dừng khai thác cát đối với giấy phép khai thác mà tỉnh Bình Phước đã cấp cho tổ chức, cá nhân trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi âm từ phía tỉnh bạn.
Theo ông Nguyễn Văn Đức,Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng: Nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, hạn chế sạt lở bờ sông Đồng Nai, trong tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã có thông báo không cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi bồi ven sông Đồng Nai và không gia hạn và cấp lại đối với các giấy phép khai thác khi hết hạn.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục kiểm tra, phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định. Đồng thời, Sở tham mưu cho tỉnh, giao ngành Công an tăng cường kiểm tra, nghiên cứu thành lập tổ cơ động trong việc kiểm tra, xử lý nhanh đơn vị khai thác cát trái phép trên địa bàn.