Truyền thông Pháp đánh giá "vụ kiện lịch sử" vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

"Một vụ kiện lịch sử" là đánh giá của báo chí Pháp trong những ngày qua về vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bà Trần Tố Nga (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Linh Hương - PV TTXVN tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, sự kiện này được đăng trên trang nhất báo Humanité số ra ngày 25/1, cùng một loạt các bài viết liên quan. Bài viết có tựa đề "Câu chuyện về một tội ác chiến tranh của Mỹ được đưa ra xét xử sau 55 năm tại Pháp" phản ánh cuộc đời của bà Tố Nga cũng như hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh mà bà bền bỉ thực hiện suốt hơn 6 năm qua. Phiên tranh tụng chính thức của vụ kiện đã diễn ra ngày 25/1 tại Tòa đại hình thành phố Evry, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp.

Theo bài báo, vụ kiện này thường được so sánh với cuộc chiến của David chống lại Goliath. Vì một lý do - đó là hàng chục luật sư của các công ty đa quốc gia, bao gồm Dow Chemical và Bayer-Monsanto, "đã triển khai mọi mưu kế để làm chậm tiến độ vụ xét xử. Họ có phương tiện tấn công cần thiết: một vài năm trước, doanh số của Dow Chemical đã vượt qua cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam".

Thách thức đặt ra là phải có một tòa án Pháp công nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với các sản phẩm diệt cỏ mà quân đội Mỹ sử dụng và tất cả các bệnh lý được phát hiện. Nếu được như vậy, hàng triệu nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường vì công việc chăm sóc họ vô cùng nặng nhọc và tốn kém. Bài báo kết luận dù bà Tố Nga luôn tự nhận mình chỉ là "hạt bụi nhỏ", song "chút bụi ngay hôm nay có thể ngăn chặn cỗ máy giết người và gây chiến tranh bằng nhiều cách khác".

Bài phóng sự dài trên báo Le Monde nhấn mạnh rằng bà Tố Nga biết sẽ phải trải qua cuộc chiến pháp lý lâu dài. Chắc chắn sẽ có kháng cáo cùng tất cả các loại giám định để xác định liệu thực sự có mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe của bà và việc rải chất khai quang ở quê hương bà.

Tuy nhiên, đối với tất cả các nạn nhân, hy vọng cuối cùng là những thương tật của họ được công nhận nằm ở quyết định của hệ thống tư pháp Pháp. Hiện không có vụ kiện nào khác chống lại các công ty hóa chất nông nghiệp, bên đã nhận thức được tính độc hại của các sản phẩm bán cho quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.

Theo báo Nouvel Observateur, bà Tố Nga hy vọng phiên tòa này sẽ tạo án lệ và thúc đẩy một sự công nhận của quốc tế về "tội ác hủy hoại môi trường". Tại Pháp, nó có thể giúp các nạn nhân của các chất diệt cỏ chlordecone hoặc glyphosate. Trong trường hợp bà Tố Nga chiến thắng, án lệ sẽ thực sự thừa nhận trách nhiệm của những công ty hóa chất đa quốc gia trong việc gây tổn hại đến cuộc sống con người và môi trường.

Trong khi đó, báo Liberation trích dẫn rằng chất khai quang cực mạnh và "đặc biệt độc hại", theo công nhận của công ty Dow Chemical, là tâm điểm của cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong thế kỷ 20 mà người Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam, cũng như ở các nước láng giềng Lào và Campuchia. Những tác động lâu dài của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.

Báo Politis thì nhấn mạnh rằng trong tất cả các chất khai quang phá hủy thực vật, chất độc da cam là độc hại nhất vì nó chứa dioxin, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại chất gây ung thư và tồn tại rất lâu trong cơ thể. Sự kiên cường, nhẫn nại và dịu dàng của bà Tố Nga đã trở thành vũ khí đáng gờm để chống lại các công ty hóa chất Mỹ, vốn tin rằng họ là những kẻ bất khả xâm phạm. Cuộc đua marathon pháp lý và sự tham gia rộng rãi của các phương tiện truyền thông nhằm mục đích phá vỡ điều cấm kỵ xung quanh thảm kịch này.

Đài Franceinfo miêu tả đằng sau vẻ ngoài mong manh, người phụ nữ gần 80 tuổi, sống ở Pháp từ năm 1992, đã chứng tỏ bà có tâm hồn của một người chiến sĩ. Bà Tố Nga đã mất đi người con gái đầu lòng. Người con thứ hai bị dị tật. Các cháu của bà có vấn đề về hô hấp. Trong nhiều năm ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến chất độc da cam/dioxin đã được các gia đình giấu kín. Theo đài Franceinfo, thách thức của vụ kiện là làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử này bằng cách công nhận bản chất và mức độ thiệt hại. 

Theo báo Reporterre, những tác động của chất độc da cam/dioxin đã được ghi nhận đến thế hệ thứ tư, ít nhất 100.000 trẻ em Việt Nam hiện bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Vì vậy, phiên tòa dân sự này không chỉ là một cuộc đấu tranh cá nhân mà có thể sẽ mang lại những thành quả đáng kể cho tất cả các nạn nhân. Bất kể kết quả của phiên điều trần thế nào, sẽ có kháng cáo, hoặc từ các công ty hóa chất vốn không cho phép mình thất bại, hoặc từ bà Tố Nga vốn chẳng còn gì để mất.

 

Linh Hương – Toàn Trí (TTXVN)
Cuộc đấu tranh bền bỉ vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Cuộc đấu tranh bền bỉ vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Phiên tranh tụng đầu tiên ngày 25/1 tại Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô thủ đô Paris của Pháp) về vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã thu hút đông đảo người tham dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN