An Giang là tỉnh đa dân tộc, với khoảng 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Dân tộc Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên vùng đất An Giang, tập trung đông nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng. Dân tộc Khmer An Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2016, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên năm 2017.
Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức dân gian, bên trong ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại đó chính là Kinh Phật. Kinh Phật được người Khmer viết trên lá của cây Buông, gọi là Kinh lá Buông (Xatra Slấkrít), đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá Buông, viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Bali (theo trường phái Thomanadut và Mahainikai) xuất hiện từ thế kỷ XIX.
Nghệ thuật chạm khắc trên lá Buông của người Khmer rất đặc biệt. Lá Buông được chọn ngay từ khi còn là búp trên cây và được ghép vào khung cây để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3 - 5 tháng, sau đó cắt lá xuống, mang phơi khô và sử dụng. Muốn viết Kinh trên lá Buông phải sử dụng mũi bút bằng sắt. Sau khi viết xong, dùng vải thấm than trộn với dầu thông và nhúng qua dầu lửa để quét lên chữ khắc. Nét độc đáo của Kinh lá Buông nhờ vào độ dai của lá, kết hợp với sự khéo léo, tỷ mỉ, công phu của người viết, nên thể hiện được trên cả hai mặt của lá Buông.
Mỗi bộ Kinh có từ 4 -10 cuốn (quyển), mỗi cuốn có 20 - 60 lá kinh, mỗi mặt lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ. Kinh lá Buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.
Ở An Giang, Kinh lá Buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ Kinh Phật. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Kinh lá Buông không còn được viết, bởi không còn nguồn lá Buông. Đồng thời, do khâu bảo quản gặp khó khăn, không đảm bảo trước tác động của môi trường nên Kinh lá bị hư hỏng theo thời gian, có nguy cơ bị mai một.
Hiện các chùa Khmer ở An Giang còn rất ít vị sư sãi biết khắc chữ trên lá Buông. Nếu muốn học phải có tính kiên nhẫn, phải rèn luyện trong một thời gian dài. Muốn khắc được thì người học phải am tường nội dung của từng loại kinh, bởi hầu hết các bộ Kinh lá Buông được chạm khắc bằng chữ Khmer cổ hay chữ Bali. Điều này gây không ít khó khăn cho các vị sư sãi, phật tử muốn học Kinh Phật từ Kinh lá Buông. Vì vậy, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030” rất cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Theo Đề án, giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2026, An Giang sẽ tập trung đánh giá, tập hợp, xác minh, phân loại và chỉnh lý phục hồi di sản; nghiên cứu và xác định chữ viết trên lá Buông là tiếng Bali cổ hay tiếng Khmer cổ; hướng dẫn phương pháp bảo quản, gìn giữ các bản chữ viết trên lá Buông.
Giai đoạn này, tỉnh cũng sẽ tư liệu hóa và số hóa các di sản chữ viết trên lá Buông của người Khmer trên địa bàn An Giang; xây dựng mới các dị bản của một số bộ Kinh phục vụ cho công tác giáo dục di sản và phát triển du lịch; dịch thuật một số nội dung Kinh lá Buông; tăng cường việc quảng bá, phát huy di sản nhằm thu hút mọi nguồn lực của xã hội….
Giai đoạn 2 từ năm 2028 - 2033, An Giang xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, việc thực hiện đề án có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng của An Giang; là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kiểm kê, nhận diện, đánh giá thực trạng. Trên cơ sở đó, có thể áp dụng các biện pháp đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo từng giai đoạn một cách hợp lý, khoa học.