Hội thảo đánh giá những kết quả đạt được, các mặt hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đồng thời, đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong những hoạt động luôn luôn gắn liền với việc bảo tồn bản sắc dân tộc, tạo dựng sự phát triển bền vững tương lai của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại.
Hiện, các di sản văn hóa thường xuyên đứng trước những thách thức và nguy cơ bị hủy hoại do những tác động của thiên nhiên và con người. Đặc biệt, là các hành động ứng xử của con người, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa và sự phát triển du lịch thiếu bền vững đã và đang làm ô nhiểm và hủy hoại môi trường, không gian tồn tại của di sản. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.
Nhiều năm nay, mặc dù phải đối phó với những khó khăn về kinh tế - xã hội, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã và đang được cộng đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam coi trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có những chủ trương chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, tổ chức và kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản; đồng thời, có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và người dân.
Tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực thực hiện trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm.
Bên cạnh sự ủng hộ của UNESCO và các tổ chức Quốc tế, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Nam còn được ủng hộ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ các nước như: Ấn Độ, Ba Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hoa Kỳ… đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.
Ông Pham Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: Trong 20 năm qua, Ban Quản lý luôn khẳng định cộng đồng có vai trò quan trọng trong bảo tồn phát huy giá trị di sản. Vì vậy, Mỹ Sơn đã áp dụng một mô hình quản lý bảo tồn dựa vào sự xích lại của công đồng dân cư với di sản, sự phát triển bền vững phải hướng người dân, cộng đồng vào di sản.
Thực hiện nâng cao nhận thức của người dân là mục tiêu quan trọng lâu dài như: Chương trình đưa giáo dục di sản vào học đường; Tăng cường phổ biến pháp luật cho người dân về bảo tồn văn hóa, bảo vệ di sản, tránh việc xâm hại các công trình kiến trúc, xâm hại khai thác lâm sản trong diện tích rừng khoanh cấm, hỗ trợ sinh kế để người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, đồng thời thực hiện các cam kết gắn trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi với người dân thông qua các chương trình chính sách hỗ trợ cho giảm nghèo, các chương trình phúc lợi để người dân thừa hưởng.
Không chỉ ở Di sản văn hóa Mỹ Sơn, đối với việc quản lý phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng: "Đô thị cổ Hội An là một bảo tàng sống - Bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”, trong nhiều năm qua, Khu phố cổ Hội An không những được bảo tồn hoàn hảo mà còn phát huy hiệu quả.
Ngày nay, phát triển gắn với toàn cầu hóa - hội nhập được nhìn nhận như một quá trình, một xu hướng nên vấn đề làm thế nào để di sản văn hóa phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của địa phương, cần nhìn nhận, ứng xử, quản lý mỗi di sản văn hóa, thiên nhiên như một “bảo tàng sống”.
Với vai trò là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Hội thảo này phù hợp và kịp thời cho Việt Nam và khu vực khi nhìn vào sự giao thoa văn hóa, di sản và phát triển bền vững với vai trò cơ bản của cộng đồng địa phương và các phương pháp tiếp cận có sự tham gia và dựa trên cộng đồng. Cộng đồng địa phương trở thành một phần của “sản phẩm du lịch” tại một Di sản Thế giới, đặc biệt là trong trường hợp du lịch văn hóa và cuộc sống hàng ngày của họ đã phản ánh tính xác thực của điểm đến hoặc làm mất giá trị của nó.
Đồng thời, khi một tài sản Di sản Thế giới, đặc biệt là một tổ hợp di sản sống của Hội An được mở ra thì người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi sự phát triển du lịch và trong một số trường hợp nhất định, họ thậm chí có thể tìm thấy sự tồn tại hàng ngày của họ được quy định bởi các biện pháp bảo tồn. Vì vậy, vai trò của cộng đồng địa phương rất quan trọng.