Khái quát chung điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn cho rằng, điện ảnh Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực với sự xuất hiện một số bộ phim tốt về nội dung và hình ảnh thể hiện, diễn viên, kỹ thuật dựng hình, kỹ xảo điện ảnh. Số lượng và chất lượng phim ngày càng được nâng cao, quy mô hơn.
Theo Nghệ sỹ nhân dân Đào Bá Sơn, từ 2015 – 2018, các phim do doanh nghiệp tư nhân sản xuất tăng theo từng năm. Cụ thể, từ năm 2015 có 40 phim, trong đó có 6 phim do đơn vị Nhà nước thực hiện và còn lại là của các hãng phim tư nhân. Đến năm 2018, điện ảnh Việt Nam có 41 phim thì chỉ có duy nhất 1 phim do Quân đội thực hiện.
Nhiều kịch bản phim được giới phê bình đánh giá tốt như “Song Lang”, "Tháng năm rực rỡ", "Người bất tử"… có ý tưởng dồi dào, mới mẻ, hướng tới chủ nghĩa nhân vật, vẻ đẹp trong tâm hồn của con người. Với đà phát triển này, dự đoán đến năm 2019 có khoảng 60 phim sẽ được giới thiệu đến công chúng. Đây có thể là con số nhiều nhất trong lịch sử phát hành và sản xuất của nền điện ảnh Việt Nam từ khi hình thành đến nay.
Nhận xét về chất lượng phim truyền hình tham dự Giải Cánh diều 2018 nói riêng và phim truyền hình cả nước nói chung, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng ban Giám khảo Phim truyền hình (Giải Cánh diều 2018) cho hay, 13 bộ phim gửi về dự thi đều có nội dung, thể loại rất phong phú, thể hiện được 13 góc nhìn, màu sắc đa dạng. Từ chủ đề chuyện tình cảm đôi lứa, bi kịch gia đình, góc khuất thân phận con người đến văn hóa, đặc trưng vùng miền Nam bộ. Đây là điểm sáng vì không trùng lắp đề tài so với các năm trước. Bên cạnh đó, các phim năm nay ngôn ngữ thể hiện được năng lực tư duy sáng tạo, chỉnh chu hơn, cho thấy bước đột phá mạnh mẽ của các nhà sản xuất phim.
Đánh giá chung qua các phim điện ảnh gửi về dự Giải Cánh diều 2018, Phó Giáo sư Trần Luân Kim, Trưởng ban Giám khảo Phim Điện ảnh (Giải Cánh diều 2018) cho biết, mặt yếu của điện ảnh Việt vẫn còn ở khâu kịch bản. Ngay cả các phim được giải thì cấu trúc vẫn chưa chặt, còn lan man, ngẫu nhiên vô lý khiến khán giả không hiểu được. Chi tiết tình huống xây dựng còn thiếu logic có cảm giác không thật. Tuy vậy, theo Phó Giáo sư Trần Luân Kim, thị hiếu của khán giả hiện nay đã thay đổi rất nhiều, nâng cao thẩm mỹ nên một số phim sau khi phát hành đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Khi so sánh với các nước có nền điện ảnh phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, một số ý kiến cũng cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho các hoạt động lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư, phát triển cho những phim điện ảnh mang nét đặc trưng văn hóa, bản sắc con người Việt Nam.
Dù vậy, hiện nay do yếu tố thị trường, thị hiếu số đông khán giả nên phim hài luôn là sở thích của người Việt, được các nhà sản xuất khai thác triệt để. Hơn 85% các bộ phim bị hài hóa trước những vấn đề rất nghiêm túc; thiếu tiếng cười trí tuệ, tiếng cười xã hội hơn. Ông Đào Bá Sơn cho rằng, điện ảnh Việt Nam cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Nhà nước để có thể giới thiệu đậm nét các bộ phim về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Giải Cánh diều là giải thưởng do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh, khích lệ những cá nhân, tập thể đã đóng góp tài năng, tâm huyết cho sự phát triển của điện ảnh trong nước; đồng thời gửi đến người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy góc nhìn toàn cảnh về những hoạt động, thành tựu của điện ảnh Việt Nam trong suốt một năm cống hiến và sáng tạo.
Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2018 sẽ diễn ra tối 12/4, tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và phát sóng trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.