Đìu hiu bưu điện văn hóa Cao Bằng

Bưu điện văn hóa xã là 1 trong 19 tiêu chí quan trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới mà các xã của tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực hoàn thiện. Song ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, bưu điện văn hóa xã không những không phát huy được hiệu quả còn trở nên rất lãng phí. Nhiều trụ sở bị bỏ hoang, các ấn phẩm, đặc biệt là các loại sách chưa phát huy được hiệu quả tuyên truyền cũng như phổ biến kiến thức.

Một góc điểm Bưu điện văn hóa xã Đa Thông (Thông Nông). Ảnh: baocaobang.vn


Vượt hàng trăm cây số, hàng ngày, hàng tháng, những ấn phẩm sách, báo tạp chí được hỗ trợ theo chương trình đưa thông tin về cơ sở vẫn được đưa về vùng sâu, vùng xa với điểm đến cụ thể là điểm bưu điện văn hoá của các xã. Tuy nhiên, trừ một số đầu báo, tạp chí được giao trực tiếp về UBND xã và các xóm, những ấn phẩm sách, báo còn lại được đặt tại các điểm bưu điện này để phục vụ nhu cầu đọc của người dân chỉ có mỗi nhiệm vụ là nằm yên trên giá sách.

Anh Nông Văn Việt, nhân viên điểm bưu điện Văn hoá xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng cho biết: Làm việc ở bưu điện văn hoá xã đã hai năm nay, nhưng số người đến bưu điện văn hoá xã để đọc báo, tham khảo các đầu sách ở đây hàng năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tình trạng sử dụng tủ sách, báo tại điểm bưu điện văn hoá xã Hạ Thôn - huyện Hà Quảng cũng là tình trạng chung, phổ biến của hầu hết các tủ sách báo được đặt tại hơn 150 điểm bưu điện văn hoá xã của tỉnh Cao Bằng hiện nay.

Ra đời từ năm 1998 tại tỉnh miền núi như Cao Bằng, điểm bưu điện văn hoá làm dịch vụ công và công tác chính trị trên địa bàn, trong đó có việc đặt tủ sách tại cơ sở. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, khi các mạng di động phát triển mạnh, không còn nhiều người đến bưu điện xã để gọi điện cũng như gửi thư.

Ông Trương Văn Tới, Bí thư Đảng uỷ xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh cho biết: “Nếu như trước đây, khi mới đưa vào hoạt động, Bưu điện Văn hóa ở xã thường là điểm đến của người dân, hoạt động văn hoá rầm rộ, đạt hiệu quả cao, việc trao đổi thư tín và liên lạc bằng điện thoại cố định với gia đình, họ hàng, bạn bè là nhu cầu thường xuyên của người dân. Và đó cũng là kênh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân trong vùng. Nhưng nay, thì hoàn toàn ngược lại. Vì các phương tiện như tivi, đài, điện thoại… rất nhiều, mỗi gia đình cũng không quá khó khăn để trang bị những vật dụng như vậy, nên số lượng người đến bưu điện văn hóa xã ít hẳn đi”.

Không có khách đến, có những điểm bưu điện văn hoá xã vẫn duy trì việc mở cửa, nhưng nhân viên trực dường như chỉ có mỗi công việc ra mở cửa, rồi hết giờ thì đóng cửa. Thậm chí, một số điểm bưu điện văn hoá xã hầu như đã đóng cửa hoàn toàn. Các đầu báo, đặc biệt là sách về kinh tế, sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh không được đọc, chất đống một cách lãng phí, trong khi người dân lại thiếu nhiều kiến thức về các lĩnh vực này.

Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở với nội dung tăng cường nội dung thông tin và truyền thông thông qua hỗ trợ các ấn phẩm sách về cơ sở được triển khai tại tỉnh Cao Bằng từ năm 2012, với gần 29.000 đầu sách. Bên cạnh đó, trong năm 2012, tỉnh Cao Bằng cũng cấp gần 300 triệu đồng để đặt, đưa báo Nhân dân, Báo Cao Bằng về các điểm bưu điện văn hoá xã nhằm tăng cường hiệu quả thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên, với cách hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã như thế này thì quả là một sự lãng phí rất lớn.

Trong thời đại các phương tiện thông tin phát triển mạnh như hiện nay vẫn không thể phủ nhận được vai trò của các ấn phẩm sách, báo, tạp chí bởi khả năng lưu giữ thông tin, có thể tra cứu nhiều lần và phù hợp với những nơi vùng sâu vùng xa, nơi chưa có điều kiện tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện hiện đại.

Tuy nhiên để những ấn phẩm này thực sự phát huy được hiệu quả, cần có những sự tuyên truyền, giám sát, đánh giá tình hình sử dụng, khai thác sách, báo ở cơ sở, từ đó tìm ra giải pháp để kết nối người dân với kênh thông tin này, tránh lãng phí kho trí tuệ chung cũng như một khoản kinh phí không nhỏ do ngân sách Nhà nước bỏ ra.


Mạnh Hà - Kim Anh
Nhà văn hóa cộng đồng biến thành nơi... nhốt trâu bò!
Nhà văn hóa cộng đồng biến thành nơi... nhốt trâu bò!

Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để xây dựng 554 nhà văn hoá cộng đồng ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Kinh phí xây dựng nhà văn hóa bình quân từ 100 - 150 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN