Từ 28/10/2015 đến hết tháng 2/2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”, giới thiệu bộ sưu tập gần 100 hiện vật tiêu biểu của 27 linh vật (là các con vật huyền thoại và linh thiêng) xuất hiện trong văn hóa Việt Nam từ thời dựng nước đến thời Nguyễn. Trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày.
Đĩa trang trí kỳ lân thời Lê Sơ. |
Trong tiến trình lịch sử, người Việt đã sử dụng nhiều hình tượng linh vật khác nhau, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, bản sắc văn hóa dân tộc và phong cách nghệ thuật đặc trưng của từng thời kỳ.
Ngay từ buổi đầu hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, cư dân Việt cổ - chủ nhân sáng tạo văn hóa Đông Sơn đã nảy sinh và định hình ý thức dân tộc, bắt đầu xây dựng huyền thoại về nguồn gốc dân tộc. Họ đã chọn những con vật có sức mạnh và những đặc tính tốt phục vụ lợi ích cuộc sống như chim lạc, giao long (cá sấu), hươu, cóc... làm vật Tổ, những họa tiết hoa văn trang trí hình chim lạc trên trống đồng Thọ Vực được giới thiệu trong trưng bày đã chứng tỏ điều này.
Sau tín ngưỡng thờ vật Tổ, linh vật hình rồng là một trong những hình tượng gần gũi, gắn bó với người Việt. Xuất hiện từ thời Hùng Vương với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, rồng đã trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Do ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, nên rồng còn giữ vai trò là phúc thần mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Chính vì vậy, hình tượng rồng tuy không có thực nhưng lại rất gần gũi, gắn bó với người Việt Nam. Mỗi giai đoạn lịch sử, hình tượng rồng Việt Nam lại mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật khác nhau. Một số hiện vật hình rồng được giới thiệu trong trưng bày lần này là: Giáo, tấm che ngực bằng đồng có trang trí giao long (văn hóa Đông Sơn); gương đúc nổi hình rồng bằng đồng (thế kỷ 1 - 3); đố cửa chạm hình rồng bằng đá (thời Lý); đĩa gốm vẽ rồng (thời Lê Sơ); lư hương trang trí rồng bằng đất nung (thời Lê trung hưng); Tượng rồng bằng vàng, ngọc và ấn "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ" thời Nguyễn…
Một trong những hình tượng linh vật được sử dụng, tạo hình nhiều nhất trong văn hóa Việt Nam là sư tử - nghê. Hình tượng sư tử xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam là do được truyền vào theo sự du nhập của Phật giáo từ thời Lý, khi Nho giáo phát triển (thời Trần - Lê sơ), sư tử được các triều đình phong kiến chọn làm biểu trưng cho sức mạnh vương quyền. Hình tượng sư tử xuất hiện dày đặc ở mọi thời đại (từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn…), trên nhiều loại hình nghệ thuật (trên tượng Phật, đồ thờ cúng, đồ trang trí và trên cả những ấn vua, chúa, tướng quân… thời xưa) và với nhiều chất liệu khác nhau (từ đồ gỗ, đồng, đồ gốm, đồ sành sứ...). Bộ sưu tập hình tượng linh vật sư tử - nghê cũng chiếm số lượng nhiều nhất trong trưng bày lần này, với trên 20 hiện vật nổi bật như: Đầu sư tử, cổ bệ tượng Phật chạm hình sư tử chầu ngọc; ấn “Đề thống tướng quân”, ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo", ấn "Diên Thọ cung bảo"… có núm hình sư tử…
Tượng Long Mã thời Nguyễn. |
Phượng, kỳ lân, rùa, hạc, rắn, hổ, voi, cá hóa rồng… cũng là những linh vật xuất hiện khá nhiều trong đời sống văn hóa Việt. Theo quan niệm của người Việt Nam, phượng biểu tượng cho thái bình, cho hạnh phúc lứa đôi. Kỳ lân biểu tượng cho lòng nhân từ, mỗi khi nó xuất hiện là điềm báo có thánh nhân, minh quân ra đời, đất nước thái bình thịnh trị. Rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn. Hạc tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, ung dung tự tại, trường sinh bất tử. Hổ biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh giống như Sư tử. Voi biểu trưng cho điềm lành, cho chân lý, trí tuệ, sự kiên định và trong sạch. Cá hóa rồng là biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công…
Bên cạnh những linh vật phổ biến được sử dụng nhiều trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Trưng bày “Linh vật Việt Nam” lần này cũng giới thiệu đến công chúng một số biểu tượng linh vật độc đáo ít người biết đến, như ngựa có cánh, chim thần Garuda, si vẫn, bồ lao… Trong đó, ngựa có cánh có nguồn gốc từ phương Tây, xuất hiện đầu tiên trong nghệ thuật Việt Nam vào thời Lê sơ (thế kỷ 15), trên đồ gốm xuất khẩu thông qua đặt hàng của người phương Tây. Sau này, ngựa có cánh được tiếp nhận và tiếp tục trở thành đề tài trang trí trên đồ gốm và trong trang trí kiến trúc thời Mạc - Lê trung hưng (thế kỷ 16 - 18).
Chim thần Garuda bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ, xuất hiện trong cả Hindu giáo và Phật giáo, và truyền ra nhiều nước Đông Nam Á. Người Việt đã tiếp nhận Garuda từ Ấn Độ giáo của văn hóa Champa, biến thành linh vật thần thoại của Phật giáo Đại Việt. Chim thần Garuda xuất hiện từ thời Lý tới thời Mạc (thế kỷ 11 - 16), được trang trí khá nhiều trên mái đao, thành bậc, đỡ các góc tháp, bệ thờ trong các kiến trúc chùa tháp Phật giáo.
Si vẫn, bồ lao là động vật sống dưới biển, cũng là linh vật khá phổ biến trong văn hóa Á Đông. Ở Việt Nam, si vẫn thường được đắp ở hai bên nóc và các góc mái, miệng ngậm lấy đầu nóc hoặc đầu bờ guột, nên dân gian thường gọi bằng tục danh là con kìm ("kìm" có nghĩa là ngậm), còn bồ lao thì thường được đúc quai chuông (nên nhiều người vẫn dùng "bồ lao" để chỉ tiếng chuông chùa)…
“Tuy chưa thật đầy đủ, nhưng trưng bày lần này cũng giúp cho công chúng có thể tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về về sự phong phú và độc đáo của các linh vật trong văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cung cấp cho khách tham quan một cái nhìn khái quát về diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của các linh vật Việt Nam. Bên cạnh đó, cung cấp những dữ liệu để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau về đời sống xã hội, tâm linh của người Việt trong lịch sử, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, khơi gợi ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa - ông Nguyễn Văn Hữu - Phó trưởng phòng trưng bày Bảo tàng lịch sử Quốc gia nói.