"Đến hẹn lại lên", trong tiết trời ấm áp của ngày rằm tháng Giêng (5/3 dương lịch), Ngày thơ Việt Nam 2015 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lại diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội và ở các tỉnh thành như một ngày hội lớn nhất trong năm dành cho các nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ trên khắp cả nước. Năm nay, Ngày thơ càng rộn ràng hơn bởi có sự tham gia của 151 nhà văn, nhà thơ đến từ 5 châu lục, góp thêm những sắc hương cho "vườn thơ" Việt Nam.Những nét mớiSau 12 năm tổ chức và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 này được đánh giá là có nhiều nét mới, nhiều chương trình đặc sắc cả về phía tổ chức và đối tượng tham dự.
Ngày thơ Việt Nam nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của người yêu thơ trên cả nước.Ảnh: hanoitv.vn |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Điểm khác của năm nay là chúng tôi đã tổ chức được một số chương trình lớn diễn ra ngay trước sự kiện Ngày thơ như: Liên hoan thơ châu Á- Thái Bình Dương lần thứ II, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III, 2 Hội thảo quốc tế về thơ và văn xuôi, lễ hội thi ca ở Hạ Long, chương trình quan họ và thi ca ở Bắc Ninh... có sự tham gia của các nhà thơ đến từ 5 châu lục, đặc biệt có các đại diện thi ca lớn, là các nhà thơ, nhà văn đến từ các nước khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh…, những người có tên tuổi, có sức ảnh hưởng bằng những sáng tác của họ, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của xã hội và nền văn hóa của đất nước họ cũng như của nền văn hóa thế giới. Các hoạt động này đã làm cho Ngày thơ phong phú hơn, đa dạng và rộng mở hơn”.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Ngày thơ Việt Nam năm nay cũng được quốc tế hóa hơn rất nhiều. Bởi các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn học đến từ 40 quốc gia không chỉ có mặt để tham dự những sự kiện văn học lớn này mà họ còn đến để giao lưu, thể hiện ngay trên “sân khấu” thơ Việt. Đặc biệt trước Ngày thơ là đêm hội thi ca được tổ chức ở Hạ Long (tối 3/3) như một sự hòa nhịp đồng điệu của các nhà thơ quốc tế và các nhà thơ Việt Nam. Đó không chỉ là một đêm đọc thơ, giao lưu mà như một lễ hội khi tất cả cùng được chia sẻ và bày tỏ cái đẹp đối với thi ca.
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, có rất nhiều hoạt động phong phú như: Sân thơ truyền thống, Sân thơ quốc tế, Khu phố nghệ thuật… Ở sân thơ truyền thống Việt Nam, ngoài các nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, còn có sự tham gia của sinh viên các trường đại học, gần 20 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và 8 tỉnh thành khác.
Đặc biệt, Ban tổ chức còn tiến hành tuyển chọn 15 gương mặt nhà thơ Việt Nam tiêu biểu để giới thiệu thơ bằng tiếng Pháp. Bên cạnh các sân thơ, một Khu phố nghệ thuật cũng được bố trí ngay trong khuôn viên sân Văn Miếu. Phố nghệ thuật được tổ chức “mở” khi tất cả các CLB thơ, các đơn vị, các trường đại học đều có thể tham gia... với những sản phẩm về thi ca, hội họa, những sản phẩm về mỹ nghệ hay các sản phẩm văn hóa khác ở các vùng miền của Việt Nam, tạo ra được một sân chơi phong phú, vui nhộn cho ngày Thơ năm nay. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn giới thiệu nhiều nét văn hóa truyền thống ở Khu phố nghệ thuật để nhân dịp này tôn vinh văn hóa Việt và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
“Đặc biệt năm nay chúng tôi không tổ chức Sân thơ trẻ vì lượng khách quốc tế tham gia quá đông. Hơn nữa ban tổ chức cũng muốn tất cả những người trẻ sẽ hòa đồng vào các hoạt động chứ không tách riêng thành một sân thơ riêng nữa. Mô hình của năm nay là toàn bộ là một sân thơ chung mang tinh thần thống nhất cộng hưởng với tất cả các hoạt động từ trước đó”, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Hướng tới biển đảo quê hươngVới chủ đề “Hướng tới biển đảo quê hương”, Ngày thơ Việt Nam 2015 có rất nhiều hoạt động ý nghĩa như góp thêm một tiếng nói của các nhà văn, nhà thơ trong khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, bằng nhiều hình thức, các nhà văn, nhà thơ đã tuyên truyền giới thiệu thành tựu 30 năm đất nước và tình hình Biển Đông, để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta.
Theo Ban tổ chức, mặc dù Ngày thơ năm nay vẫn với chủ đề biển đảo, lãnh thổ đất nước nhưng lồng vào đó là ca ngợi vẻ đẹp của tâm hồn Việt thông qua những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam và không ít những bài thơ của nước ngoài viết về Việt Nam. Một điểm đáng chú ý nữa của Ngày thơ năm nay là còn có cả các đơn vị quân đội tham gia, với sự góp mặt của các chiến sĩ đến từ Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng… với các tiết mục thi ca, biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt là các tiết mục của các nhà thơ mặc áo lính nói về những tác phẩm viết về biển đảo và những sáng tác mới của họ.
Chủ tịch Hội đồng các Liên hoan thơ thế giới Fenando Randóm xúc động: “Được tham gia Ngày hội thơ của Việt Nam là một niềm vinh hạnh lớn lao đối với tôi. Tôi đã biết đến Việt Nam và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của các bạn từ lâu. Và tôi cũng hiểu rằng, thi ca cũng là một phần quan trọng khi đã giang rộng đôi cánh của mình để bảo vệ người dân của các bạn vượt qua bão giông, vươn tới khát vọng tự do muôn thuở”.
Cũng trong khuôn khổ Ngày thơ 2015, Hội Nhà văn đã chọn 10 nhà xuất bản có tên tuổi tham dự và giới thiệu những tác phẩm hay viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
“Chủ đề hướng về biển đảo, Tổ quốc là chủ đề không phải chỉ trong một hai năm nay của ngày hội thơ, mà chủ đề về Tổ quốc, chủ đề về độc lập tự do của dân tộc sẽ là một chủ đề vĩnh hằng, sẽ xuyên suốt trong nhiều chương trình. Bởi vậy, mỗi năm chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận chủ đề này ở một góc khác nhau để bày tỏ, thể hiện với mong muốn mang lại được những cảm xúc mới lạ về tình yêu Tổ quốc và biển đảo quê hương tới công chúng”, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Hà Linh