Nữ đạo diễn đầu tiên của sân khấu Việt Nam

Tên thật của bà là Lý Thị Tiến (ảnh). Bà sinh ra ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Mười lăm tuổi, bà rời khỏi mái nhà thân yêu đi hoạt động cách mạng. Khi bà xin được đi thoát ly, cha bà đã lo rằng, con gái còn non nớt, chân yếu tay mềm sẽ gặp nhiều gian khổ, nhưng với ý chí đã quyết, Hà Nhân đọc lại hai câu thơ đã thuộc lòng: “Chị cười, ai cậy trai thời loạn/ Gái cũng tung hoành giữa gió sương” rồi thề với cha: “Nếu con đi thoát ly mà không giữ được nền nếp gia phong, không giữ được thanh danh của gia đình, xin cha cho tự xử!”.

Kiên trung theo cách mạng


Để thuận lợi cho hoạt động cách mạng, Lý Thị Tiến lấy bí danh là Hà Nhân để che mắt địch. Bà được điều về làm Ủy viên Thường vụ Phụ nữ Hải Phòng. Năm 1950, Hà Nhân bị Pháp bắt về tội hoạt động cách mạng và bị giam giữ ở nhà tù Căng Máy Chai (Hải Phòng). Trong tù, bà đã vững chí đem nghệ thuật đến với đồng đội để tiếp tục đấu tranh.


Bà vẫn nhớ, hồi đó bà đã dùng chiếc đàn cũ của nhà tù dạo cho đồng đội cùng hát bài “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Tên cai tù nghe được chỉ tay vào bà mà nói: “Mày chính là Việt Minh chứ còn ai!”. Ra tù, nghệ sĩ Hà Nhân được điều về làm cán bộ phụ nữ tỉnh Hòa Bình. Bà là một trong những cán bộ rất năng nổ, bản lĩnh và chắc chắn sẽ trở thành một cán bộ phụ nữ cao cấp trong tương lai, nếu không có bước ngoặt lớn trên chặng đường ấy: Năm 1952, nhạc sĩ Trần Hoàn và ca sĩ Vũ Trọng (sau này ông là Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh khóa II) đi tuyển diễn viên đóng kịch cho đoàn văn công của chi hội văn nghệ Liên khu III.

Nhạc sĩ Trần Hoàn thấy Hà Nhân có năng khiếu văn nghệ nên đã chọn bà vào đoàn Văn công. Ban đầu, nghệ sĩ Hà Nhân không nhận vì bà chỉ biết làm công tác phụ nữ chứ chưa biết gì về nghề diễn. Tuy nhiên, khi tổ chức đã phân công thì bà buộc phải nhận lời và nghĩ, chỉ “đóng thế” một số vai rồi lại quay lại với công tác phụ nữ. Ngay sau khi về Đoàn, bà được phân vai cô Cúc trong vở kịch “Du kích thôn Đồi”, cùng diễn với chính tác giả vở kịch, ông Lộng Chương. Nghệ sĩ Hà Nhân kể lại: “Tôi chỉ được đạo diễn dạy cách diễn thông qua truyền miệng và đọc đi đọc lại lời thoại kịch bản chứ chẳng học qua lớp kỹ thuật diễn xuất nào cả. Nhưng khi tấm màn sân khấu hạ xuống, ông Lộng Chương đã chỉ vào trán tôi mà nói: “Của này rồi sẽ thành tinh sân khấu đây!”.


Từ diễn viên, tới đạo diễn


Cũng từ buổi ấy, Hà Nhân trải qua nhiều vai diễn với các tính cách khác hẳn nhau. Khi thì là một cô du kích sôi nổi nhiệt tình, đằm thắm trong tình yêu, tình đồng đội trong vở “Chị Chiên”, khi thì trở thành một người nông dân bị chà đạp, hành hạ trong vở “Cuộc đời bị đánh cắp”, khi lại là một bà mẹ anh hùng trong vở “Bà mẹ du kích”. Nghệ sĩ Hà Nhân nhớ lại rằng, hồi bà đóng vai mụ Hàn Dụ, một mụ địa chủ độc ác, trong vở kịch “Đời cô Tầm” bà đã diễn thành công đến nỗi, khán giả đang xem đã tức điên lên, ném gậy gộc, dép, guốc vào người mụ Hàn Dụ trên sân khấu rồi hô to “đồ ăn cắp”, “đồ bủn xỉn”, “đồ độc ác”... Và cuối buổi diễn, tổng kiêm kê Đoàn đã nhặt được... 7 đôi dép trên sân khấu. Để diễn thành công được vai diễn này, chính Hà Nhân đã phải đi tìm nguyên mẫu ngoài đời, đó là bà chủ cửa hàng sắt ở phố Bát Đàn. Bà đã đứng quan sát bà chủ cửa hàng sắt cả tuần để nhặt được vài chi tiết “sống” và đưa vào vai diễn.


Sau những thành công về diễn xuất, năm 1956, nghệ sĩ Hà Nhân được điều về lãnh đạo Đoàn Ca múa Nhạc Trung ương. Đã bén duyên sân khấu, bà không muốn làm quản lý nữa nên đã xin rút, không về Đoàn Ca múa nhạc Trung Ương, mà xin đi học nghề đạo diễn sân khấu ở trường Đại học Sân khấu Maxcơva, Liên Xô. Ở đó, song song với việc học, dàn dựng các vở diễn, bà còn là một diễn viên trên đất nước bạn. Bà tham gia vào các vai như: “Bà mẹ” (vở “Bà mẹ của Sapếch” – Tiệp Khắc), “Cô bé nghèo” (Vở “Hai xu của Brếch” – Đức), và dựng các vở “Những chiếc lông hạc” (Kịch Nhật Bản) cho nhà hát Ođétxa, dựng và diễn vở “Cuộc đời bị đánh cắp” (Kịch Nhật Bản), dựng vở “Ngày hội trường” của Rodốp. Sau khi tốt nghiệp, bà về nước và được mời dựng vở kịch “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm cho đoàn kịch nói tỉnh Quảng Bình, vở “Hai cây phong” (của Liên Xô) cho Nhà hát thiếu nhi Trung Ương, và vở chèo “Phiến đá” cho Nhà hát Chèo TW. Ở thời điểm này, bà là người nữ đạo diễn đầu tiên gây được tiếng vang đối với sân khấu nước nhà.


Đặt nền móng cho Nhà hát tuổi trẻ


Năm 1971, Nhà hát thiếu nhi bị giải thể, lúc bấy giờ nghệ sĩ Hà Nhân đang làm Phó Giám đốc. Bà được bổ nhiệm lên làm quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Bảy năm trong cương vị quyền Cục trưởng, trong lòng người nghệ sĩ Hà Nhân luôn canh cánh một nỗi niềm muốn xây dựng một Nhà hát để phục vụ tuổi trẻ.


Là người được đi nhiều, nhất là những ngày tháng đi tu nghiệp ở Xô Viết, bà ngẫm: nhà hát thiếu nhi không còn thì thiệt thòi cho thế hệ trẻ của nước ta quá. Phải có mô hình Nhà hát kiểu mới để phục vụ khán giả trẻ. Ngay sau đó, bà đệ trình lên Bộ Văn hóa xin thành lập Nhà hát Tuổi trẻ và được chấp thuận. Khi đó, nghệ sĩ Hà Nhân đã được Bộ Văn hóa gửi quyết định để bà giữ cương vị Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhưng bà xin thôi để khẩn trương bắt tay vào xây dựng Nhà hát, lập kế hoạch tuyển chọn, đạo tạo diễn viên, thiết kế chương trình biểu diễn... Vừa lúc đó, đạo diễn Phạm Thị Thành cũng tốt nghiệp đạo diễn ở Liên Xô trở về, nghệ sĩ Hà Nhân đã mời đạo diễn Phạm Thị Thành cùng về Nhà hát tuổi để cùng nhau gây dựng một nền sân khấu mới. Công việc dạo đầu ngổn ngang bao nỗi nhưng nghệ sĩ Hà Nhân luôn phấn chấn niềm vui vì nghĩ mình sắp làm được một điều gì đó cho tương lai tuổi trẻ nước nhà.


Năm 1979, Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm) do Hà Nhân làm giám đốc ra đời trước sự mong chờ của những người yêu sân khấu. Ngay từ những vở diễn đầu tiên “Sống mãi tuổi 17” (do Phạm Thị Thành làm đạo diễn) đã gây được tiếng vang. Trong vở diễn này, Nghệ sĩ Hà Nhân đã cùng tham gia đóng cặp với NSND Song Kim (vai bà Phương), rồi vai Già Đa trong vở kịch “Tấm Cám”...


Hơn 10 năm làm giám đốc Nhà Hát tuổi trẻ, nghệ sĩ Hà Nhân được coi là người làm bệ phóng cho nền sân khấu nước nhà. Bà cũng đã có công gây dựng nên thương hiệu Nhà hát tuổi trẻ với những lứa học trò đã là những NSND đã góp phần làm nên diện mạo cho sân khấu như: Lê Hùng, Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Anh Tú... Nghệ sĩ Hà Nhân kể lại rằng, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các lứa học trò thường xum tụ ở nhà bà. Ngày 20/11 vừa rồi, NSND Lê Khanh gọi điện từ hôm trước bảo: “Cụ ơi, mai chúng con đến phá nhà cụ nhé!”. Thế là hôm sau, thầy trò được một bữa ôn lại kỷ niệm xưa mà vui đến ứa nước mắt!


Sau ngày về hưu, nghệ sĩ Hà Nhân tham gia đóng phim “Đêm hội Long Trì” (vai Quốc Mẫu). Vai diễn cũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, thậm chí nó đã đi vào đời sống. Khi tôi hỏi nghệ sĩ Hà Nhân, ở tuổi ngoại bát tuần bà thường nghĩ ngợi tới điều gì? Bà nhìn xa xăm: những người cùng thời với bà cùng hoạt động cách mạng, tham gia diễn kịch, giờ người còn người mất, nhưng với bà thì tất cả còn mới như ngày hôm qua, đôi khi những ký ức ấy lại vọng về. Với bà, bây giờ những ký ức đó là niềm an ủi lớn nhất!


Nhật Huy

Đạo diễn, NSND Hải Ninh - 'Người nghệ sỹ, chiến sỹ hết mình vì nghệ thuật'
Đạo diễn, NSND Hải Ninh - 'Người nghệ sỹ, chiến sỹ hết mình vì nghệ thuật'

Hung tin đạo diễn, NSND Hải Ninh qua đời vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ khiến cho giới chuyên môn, báo chí và công chúng hâm mộ điện ảnh Việt Nam bàng hoàng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN