Phục hồi thú chơi con giống cổ Hà Nội

Trẻ em nhìn thấy con giống nặn bằng bột thì tò mò, lạ lẫm. Còn người lớn tuổi, khi nhìn thấy lại nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình…

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, người phục hồi con giống cổ Hà Nội. Ảnh: Lan Lộc 

Sống lại ký ức tuổi thơ

Chiếc bàn thấp nhỏ ghé trên hè phố Hàng Mã (Hà Nội). Giữa rực rỡ những trang kim, giấy màu, đồ chơi nhựa chạy pin í éo…là một nghệ nhân còn rất trẻ miệt mài ngồi vê bột, nặn, vuốt lên những lợn, gà, trâu, ngựa, dê, chó…

Khay bột nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng sau mỗi lần “véo”, lại vơi đi một góc, đổi lại là những con giống sinh động hiện ra giữa tiếng ồ, à thán phục của lũ trẻ vây quanh. Từ những gia cầm, gia súc quen thuộc tới hổ, sư tử, rồng… mỗi con một vẻ, mỗi con một màu sắc khác nhau, một tư thế nằm, ngồi khác nhau. Con vật nào nhìn cũng rực rỡ, cũng ngộ nghĩnh sinh động.

Bé Bích Ngọc, 6 tuổi, được mẹ đưa đi chơi trên phố cổ. Khi nhìn thấy những con thú nhỏ xíu với đủ các màu sắc, bé rất tò mò và lạ lẫm. Hết nhặt từng con vật lên ngắm, nhìn, bé lại chạy ra chỗ chú nghệ nhân khéo tay xem chú nặn. Đến khi ra về, trên tay Bích Ngọc đã có cả một túi hình các con vật ngộ nghĩnh, dễ thương.

Chú thích ảnh
Trẻ em rất thích thú với những con giống cổ.  Ảnh: Lan Lộc

Không chỉ trẻ em mê mẩn, một số người lớn tuổi cũng rất thích thú với gian hàng nhỏ này. Bà Nguyễn Thị Mai, năm nay đã ngoài 70 tuổi, người quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, nhìn thấy con giống bột này, bà lại nhớ đến ngày còn bé, mỗi dịp lễ Tết, năm nào mẹ bà cũng mua con giống về cho chị em bà chơi. “Mấy chục năm rồi, tôi không nhìn thấy những con giống nặn bột này, bây giờ gặp lại, tôi lại thấy nhớ về tuổi thơ của mình”, bà Nguyễn Thị Mai nhớ lại.

Thú chơi truyền thống

Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu, người xã Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, chủ của “gian hàng” đầy những con thú đáng yêu, cho biết: những con giống mà anh nặn bằng bột ngày xưa rất thịnh hành ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhưng sau này hầu như không còn người nặn. Mấy năm gần đây, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, một Việt kiều rất tâm huyết với văn hóa truyền thống đã tìm về Việt Nam, tìm cách để phục hồi thú chơi con giống, một thú chơi truyền thống xưa. Và anh là người được nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách mời cùng tham gia dự án phục hồi thú chơi con giống cổ.

Chú thích ảnh
Bộ con giống cổ Đồng Xuân “Lục súc tranh công”. Ảnh: Đặng Văn Hậu

Nói về nguồn gốc thú chơi con giống, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho biết: Trước những năm 1960, mỗi dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Trung Thu, các con giống nặn bằng bột lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Những con giống bằng bột ngây ngô tràn đầy hồn dân tộc này không chỉ hấp dẫn trẻ con, mà nhiều khi còn hấp dẫn cả người lớn. Sau này, một số người Bắc di cư cũng đem theo truyền thống này vào miền Nam, và nó tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1980.

Để phục hồi lại con giống cổ, nhà nghiên cứu Trịnh Bách vẽ phác họa lại các con giống bột theo hình dáng ngày xưa cha mẹ ông hay mua cho ông chơi. Sau nhiều năm tìm kiếm, ông tìm được nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh (hiện ở Trung Hòa, Hà Nội), là người trước kia nặn con giống rất đẹp. Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh đã nhiệt tình chỉ dẫn và huấn luyện từ việc pha bột cho đến giai đoạn quang dầu… Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu, người có tay nghề nặn tò he rất vững được ông mời tham gia dự án phục hồi lại những con giống bột cổ.

Theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh, kết hợp với kí ức và những phác họa của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã học và phục hồi được những con giống cổ như ngày xưa. Từ con giống chợ Đồng Xuân, đến con giống Phố Khách, con giống Xuân La được phục hồi. Và thế là, những người dân Hà Nội lại được nhìn thấy những con nghê hý châu, sư tử hý cầu, con cá vàng, bộ lục súc (trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn)… và cả con giống ở Huế cũng được phục hồi lại gần như đầy đủ. Sau này, nghệ nhân Đặng Văn Hậu lại có sáng kiến trộn một vài loại keo vào bột giúp cho con giống và màu sắc có thể tồn tại gần lâu như đồ gốm sứ và không bị mốc.

Năm 2018, con giống cổ chính thức được nghệ nhân Đặng Văn Hậu đưa ra phố cổ Hà Nội, vừa trưng bày giới thiệu, vừa trình diễn và bán cho du khách.

Sau khi phục hồi con giống cổ, Đặng Văn Hậu cũng đồng thời mở lớp truyền dạy cách nặn các con giống cho các em nhỏ trong làng, với mong muốn đưa các con giống bột Hà Nội xưa trở lại với đời sống. “Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là năm con lợn, nên tôi đặc biệt chuẩn bị nhiều con giống hình con lợn và đàn lợn để phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết này”, nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ.

 

Phương Phương/Báo Tin tức
Biến tấu lợn vàng trên đồ trang trí
Biến tấu lợn vàng trên đồ trang trí

Biểu tượng lợn vàng đã được biến tấu một cách sáng tạo trong các món đồ quà biếu, trang trí Tết, thậm chí trong cả các vật dụng gia đình với ước mong cho một năm mới Kỷ Hợi bình an, hạnh phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN