Đẹp và chưa đẹp mùa lễ hội 2017
Năm 2016, cảnh giẫm đạp, tranh cướp tại Lễ hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) khiến nhiều người phê phán. Cơ quan quản lý cùng địa phương tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo cùng các bên tìm giải pháp tháo gỡ. Cộng đồng địa phương chọn 100 thanh niên trong xã, chia thành hai đội, mỗi đội 50 người, được thắt đai phân biệt để vào bãi chơi tranh phết. Bãi đánh phết cũng được quy hoạch lại, bố trí ở khu ruộng rộng 1.500m2, xung quanh được chăng dây giới hạn. Ngoài lực lượng an ninh và y tế được phép vào sân trong một số tình huống nhất định, tất cả những người còn lại tuyệt đối không ai được tự ý vào trong… Với công tác tổ chức chu đáo BTC kỳ vọng sẽ tránh được tình trạng lộn xộn, có thể ẩu đả khi tranh cướp. Tuy nhiên, khi quả phết được đưa vào cuộc chơi, hàng trăm thanh niên đứng bên ngoài đã tìm mọi cách phá rào để vào sân tham dự trò chơi. Lễ hội cướp phết vỡ trận trước sự bất lực của lực lượng an ninh. Sân tranh phết hỗn loạn, rất nhiều người bị xô ngã và mắc kẹt trong đám đông…
Dù đã có kế hoạch, nhưng hội cướp phết 2017 vẫn vỡ trận. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN. |
Bên cạnh đó, một số lễ hội khác cũng xảy ra những hình ảnh chưa đẹp như chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội Gióng ở đền Sóc; ném lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại hội Hội Lim (tỉnh Bắc Ninh)...
Ở một số địa phương, vẫn xuất hiện tình trạng buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quan lý và tổ chức lễ hội.
Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã có chỉ đạo không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, nhưng ở Yên Sơn (Tuyên Quang) vẫn diễn lễ hội chọi trâu. Khi những vấn đề “nóng” liên quan đến phát ấn đền Trần đang lắng xuống, thì ở nhiều nơi, đang xảy ra tình trạng khai và phát ấn tràn lan. Như lễ khai bút của hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, BTC đã tự ý đưa thêm từ lễ hội, và tổ chức khai ấn không không phép, rồi ấn bị lỗi. Tại lễ hội đền Quang Trùng (Nghệ An), cũng tổ chức phát thẻ ấn… khiến nhiều chuyên gia lễ hội đang lo lắng về nguy cơ “bùng phát” tình trạng khai ấn, phát ấn… trong khi nhiều địa phương, BTC vẫn bỏ qua.
Bên cạnh những hiện tượng chưa đẹp ở các lễ hội kể trên, ở nhiều lễ hội truyền thống khác diễn ra đầu xuân Đinh Dậu 2017, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo sơ bộ của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mùa lễ hội 2017, các trường hợp đổi tiền lẻ công khai, tình trạng nâng giá, ép giá dịch vụ, tệ nạn cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh, ăn xin,... đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ. Có thể kể đến một số lễ hội điển hình như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh), năm nay là năm thứ hai cộng đồng không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu, mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) đã bỏ tục treo cổ trâu phản cảm; 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam đã bỏ tục đâm trâu; lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước...
Hàng trăm người tham gia cướp lộc hoa tre tại lễ hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN. |
Vẫn khó quản lý
Có thể thấy rằng, những tồn tại, bất cập trong lễ hội xuân 2017 cũng vẫn là những tồn tại ở các mùa lễ hội trước, mà có nơi đã giải quyết được, có nơi thì chưa thể giải quyết, vẫn cần có những biện pháp tích cực hơn để thay đổi. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý có ý kiến, những bất cập diễn ra trong mùa lễ hội năm 2017, không phải tất cả đều do lỗi quản lý.
Đơn cử như trong lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Phú Thọ cho rằng, việc lễ hội cướp phết Hiền Quan vỡ trận, lỗi trước hết do những người dân tham gia không tuân thủ quy định của BTC, quá đông người cùng phá rào để vào, nên BTC đành bất lực. Hay như vụ ném lộc, dẫn đến tình trạng chen lấn để cướp lộc ở chùa Hương (Hà Nội), hoàn toàn là do hành động tự phát của cá nhân.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng nêu những vấn đề khó của cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VHTT Tuyên Quang cho biết, lễ hội chọi trâu, dù ngành văn hóa và địa phương đã yêu cầu dừng, giải thích, nhưng bà con không chịu, với lý do cùng là chọi trâu, chỗ thì cho phép, chỗ lại cấm. Chỗ là di sản, chỗ lại bảo bạo lực… Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng băn khoăn, người làm văn hóa bao giờ cũng muốn bảo tồn giá trị truyền thống, trả lễ hội về cho chủ thể (là cộng đồng dân cư) quản lý và thụ hưởng. Trong khi truyền thống lễ hội lại có cướp lộc, chủ thể bảo phải cướp lộc, chứ phát lộc không thì không lấy… đây là vấn đề khiến nhà quản lý loay hoay, chưa tìm được lời giải.
Tại hội nghị sơ kết lễ hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, những hình ảnh phản cảm, không đẹp của lễ hội cần phải khắc phục nhằm giảm bớt, tiến tới khắc phục triệt để, đảm bảo lễ hội diễn ra đúng tinh thần văn minh. Tuy nhiên, việc loại bỏ dần những nghi lễ, tập tục chưa phù hợp ở các lễ hội truyền thống cũng không thể bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải có sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng hiểu và tự nguyện làm theo cách thức mới, thì hiệu quả mới bền vững.
Về khía cạnh truyền thông, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan truyền thông khi tuyên truyền cũng cần lưu ý, phản ánh đúng đối tượng, đúng sự việc, cần nhân lên những việc tốt, góp ý cho những việc chưa tốt trong lễ hội, chứ không nên chỉ nhìn những tiêu cực, rồi phê phán, vùi dập, thì lễ hội sẽ thui chột hết cả.