9 giờ sáng ngày 15/9/1963, lớp học gồm 80 em học sinh nữ bắt đầu tập trung tại hành lang của nhà thờ Baptist trên phố 16. Tiết trời cuối hè chớm thu mát mẻ và quang đãng. Hôm nay, cô giáo Ella C. Demand đứng lớp và giảng cho các em bài học về sự tha thứ.
Cảnh tượng đổ nát bên trong nhà thờ sau vụ đánh bom. |
Cô Demand đưa các em xuống tầng hầm khi hàng trăm người lớn đang tham dự buổi lễ ngày Chủ nhật ở tầng một, ngay phía trên lớp học của cô. Hầu hết các em đều quen biết nhau, bởi các em cùng lớn lên ở một khu phố, cùng học chung một trường và cùng đi lễ ở một nhà thờ.
Khi Mục sư John Cross thuyết giảng trong một nhà thờ chật cứng người thì cũng là lúc các em học sinh đang chăm chú lắng nghe lời chỉ dạy của cô giáo Demand dưới tầng hầm. Một khung cảnh thanh bình, các em đều mong chờ buổi học kết thúc để trở về nhà và chơi đùa thỏa thích trong quãng thời gian còn lại của ngày chủ nhật đẹp trời. Nhưng lúc 10 giờ 22 phút sáng, tất cả đã kết thúc với những em nhỏ này.
Lực lượng cứu hộ chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ đánh bom. |
Một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả nhà thờ. Tiếng nổ đinh tai. Toàn bộ bức tường của nhà thờ phía phố 16 đổ sập xuống căn phòng giữa những tiếng la hét kinh hãi. Mảnh kính vỡ bay trong không trung như những viên đạn. Đá và những tảng vữa rơi ầm ầm xuống trần nhà và phủ lấp hai lối vào tầng hầm. Những người sống sót sau vụ nổ kể lại rằng, sức ép khủng khiếp của vụ nổ đã thổi tung các em học sinh lên khỏi mặt đất như những con búp bê nhồi bông. Toàn bộ cửa sổ kính màu ở phía trên của nhà thờ bị vỡ tan. Căn phòng dưới tầng hầm bị phủ đầy bụi và hệ thống đèn chiếu sáng phụt tắt.
Gần như ngay lập tức, những người tham dự buổi lễ ở tầng trên chạy về phía phát ra tiếng nổ. Một số người không biết tiếng nổ bắt nguồn từ đâu, chỉ biết nó xảy ra ở một địa điểm nào đó trong nhà thờ.
Khi mọi người xuống đến tầng hầm đã bị phá hủy do vụ nổ, bọn trẻ đang rất sợ hãi và một vài em đã bắt đầu bò ra khỏi đống đổ nát. Một số em bị thương đã được các bạn kéo ra khỏi đống gạch đá. Nhưng vẫn còn một số em chưa được nhìn thấy.
Trong vòng vài phút, thi thể đầu tiên trong số những đứa trẻ bị thiệt mạng được kéo ra khỏi đống đổ nát của tầng hầm.
Trong khi đó, hàng chục người thoát chết loạng choạng bước ra khỏi đống đổ nát mù mịt, mặt mũi và cơ thể họ phủ đầy máu và bụi. Nhiều nhân viên y tế đã nhanh chóng có mặt và chăm sóc cho những người bị thương.
Vụ nổ đã phá vỡ cửa sổ của các tòa nhà bên kia đường và hất tung những chiếc xe hơi đậu cạnh nhà thờ. Người ta cho rằng trái bom trong vụ tấn công này gồm ít nhất 15 kíp nổ. Nó dường như được đặt bên ngoài nhà thờ, phía dưới cầu thang dẫn tới tầng hầm.
Tin tức về vụ đánh bom nhà thờ Baptist lan nhanh như dòng điện tới khu vực của cộng đồng người da đen, và ngay lập tức đám đông thanh niên khu phố kéo về phố 16.
Hàng trăm người đổ dồn về phía nhà thờ. Nhiều người xông vào đống đổ nát, cố đào bới để tìm những nạn nhân còn sống sót. Cảnh sát tìm cách ngăn họ lại nhưng vô vọng. Đám đông ngày càng đông hơn, nhiều người giận dữ la hét và ném đá vào các nhân viên cảnh sát.
Hàng chục cảnh sát trang bị súng ngắn đã được huy động đến giao lộ trên phố 16, khi đám đông những người đàn ông da đen giận dữ bao vây khu vực này. Đụng độ đã xảy ra và tình hình mỗi lúc một thêm căng thẳng.
“Cảnh sát đang làm mọi thứ mà họ có thể”, cha Cross nói to trên loa, “Xin mọi người hãy về nhà đi!”. Với thân mình bị thương và dính đầy máu, cha Cross sụp xuống trong nước mắt và không thể nói tiếp.
Trong khi đó, tại một góc phố gần nhà thờ Baptist, có một người đàn ông da trắng đứng vô hồn bên cạnh hàng rào của cảnh sát. Anh ta nhìn chằm chằm về phía nhà thờ, nheo mắt để cố nhìn qua những làn khói cay sè. Charles Vann, phụ tá thị trưởng thành phố, đã nhìn thấy người đàn ông này khi đang trên đường tới hiện trường vụ nổ. Người đàn ông đó là Robert Chambliss và theo lời Charles Vann, anh ta “nhìn về phía nhà thờ Baptist giống như cách người ta đốt lửa rồi đứng xem ngọn lửa bốc cháy”.
Những ngày sau đó, dư luận cả nước Mỹ kịch liệt lên án những kẻ thực hiện vụ đánh bom nhà thờ Baptist. Tờ Birmingham News viết “Không một từ ngữ nào có thể bù đắp cho cái chết của bốn em gái vô tội”. Tờ Birmingham World viết “Birmingham là một thành phố bệnh tật? Chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan thực thi pháp luật khác phải bằng mọi cách tìm ra thủ phạm của tội ác ghê tởm này và đem chúng ra trước công lý”.
Từ Nhà Trắng, Tổng thống John F. Kennedy bày tỏ sự phẫn nộ trước "tình hình tồi tệ ở tiểu bang Alabama". Ngay cả Thống đốc George Wallace, người ủng hộ sự phân biệt chủng tộc công khai nhất ở quốc gia này, cũng phải thốt lên: “Đó là một hành động tàn bạo, được gây ra bởi những kẻ ngu ngốc điên cuồng, một kẻ có con tim hận thù cả thế giới này”.
Nguyễn Bình
Đón đọc kỳ 4: FBI vào cuộc