Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân tại dự án Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tại buổi họp báo thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về dự án Khu Công nghệ cao (quận 9), diễn ra chiều tối ngày 6/8.

 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, đến nay Thành phố đã thực hiện xong 4/8 nội dung kết luận. Cụ thể, đã tổ chức công bố công khai quy hoạch Khu Công nghệ cao; rà soát kiểm tra việc hoán đổi 1.111,5m2 đất công cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Tuấn; rà soát kêu gọi đầu tư; tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan.

Còn lại 4/8 nội dung đang tiếp tục tập trung giải quyết, gồm: Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 40,997 ha và chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 trường hợp có khiếu nại, tố cáo; thực hiện đền bù với 8 dự án tái định cư; sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào các khoản chi phí của Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao; thu hồi số tiền tạm ứng để hoàn trả ngân sách.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 40,997 ha nằm trong ranh giới quy hoạch dự án Khu Công nghệ cao, UBND Thành phố cho biết, chính sách được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đúng quy định của pháp luật. Riêng về chính sách hỗ trợ đối với 49 trường hợp theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, về nguyên tắc, Thành phố giữ nguyên chính sách bồi thường trước đây. Đặc biệt, Thành phố sẽ hỗ trợ đặc thù theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân theo giá bán tái định cư, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, Thành phố sẽ bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu Công nghệ cao. Ngoài ra, Thành phố mong muốn người dân nhận nền tái định cư thay vì nhận tiền, bởi chính sách đền bù bằng tiền sẽ không thể vượt quá khung của giá bồi thường đã quy định, còn khi nhận nền đất sẽ có giá trị cao hơn, bởi hiện giá đất tại khu vực quận 9 đang có giá trị cao. Nếu người dân nhận nền đất, chậm nhất hết ngày 30/12/2019, Thành phố bố trí cho người dân nhận nền đất và sau Tết Dương lịch người dân có thể xây nhà ổn định cuộc sống. Khu nền đất đền bù bao gồm: khu đất có diện tích 4.000 m mặt tiền đường Lê Văn Việt, một số nền đất thuộc khu nhà ở Khang Điền (phường Phước Long B), Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ (quận 9) có một số trường học lân cận kế bên, chuyển đất giáo dục sang đất tái định cư cho người dân.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, dự án Khu Công nghệ cao có quy mô 913 ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 3.113 hộ. Đến nay bàn giao mặt bằng đạt 99,24%, vẫn còn 35 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng với diện tích chưa thu hồi hơn 6 ha. Hiện nay Khu Công nghệ cao đã thu hút 154 dự án đầu tư FDI với số vốn gần 7,3 tỷ USD trong đó 80 dự án đã đi vào hoạt động.

Trước đó Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo 2318/TB-TTCP về kiểm tra, giải quyết khiếu nại liên quan đến dự án Khu Công nghệ cao. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định quy định thu hồi đất tại 5 phường quận 9 để thực hiện dự án gồm Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B; nhưng thực tế Thành phố lại thu hồi đất tại phường không có tên là Hiệp Phú, đồng thời không thu đất tại phường Phước Long B. Ấu đó, Thành phố đã thêm tên phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú như động thái để hợp thức hóa cho việc thu hồi đất ngoài ranh dự án, dẫn tới khiếu nại bức xúc gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.

TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 lần thu hồi đất và tăng diện tích thu hồi từ 804 ha lên 913ha và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Chưa kể UBND thành phố giao UBND quận 9 thu hồi thêm 149ha đất nằm ngoài ranh Khu Công nghệ cao (khu 913 ha) để lập 9 dự án gồm 7 dự án tái định cư, 1 khu nhà ở chuyên gia và 1 khu nhà lưu trú cho công nhân, nâng tổng diện tích đất thu hồi lên tới 1.062ha.

Tuy nhiên theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi này thể hiện công tác quy hoạch quỹ đất phục vụ tái định cư không sát thực tế. Cùng với đó là hàng loạt sai phạm khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ như việc một số doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, chuyển nhượng khu đất, điều chuyển căn hộ tái định cư, thay đổi quy hoạch số lượng lô đất, gây thất thoát cho ngân sách thành phố, việc quản lý quỹ tiền sử dụng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Mới đây nhất, trong kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh vào ngày 13/7, đã thông qua Nghị quyết chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Khu Công nghệ cao. Kinh phí trên lấy từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn 1.471 tỉ đồng.

HĐND TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung của dự án theo đúng quy định pháp luật, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho HĐND TP Hồ Chí Minh trong kỳ họp cuối năm 2019.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Mạng 5G tại Việt Nam được kỳ vọng phủ sóng toàn bộ khu công nghệ cao
Mạng 5G tại Việt Nam được kỳ vọng phủ sóng toàn bộ khu công nghệ cao

Tập đoàn Viettel bắt đầu cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G bằng thiết bị của Ericsson kể từ ngày 10/5. "5G sẽ là cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng, cho phép Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài về công nghệ cao để đạt được nhiều thành tựu lớn ở phạm vi toàn cầu”, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson phụ trách 4 nước (Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào) cho hay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN