Ngay từ khi lập đền Voi Phục (Thụy Khuê - Hà Nội), cổ nhân đã trồng 9 cây muỗm vòng quanh đền, tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn. Sau hơn 900 năm, hai “cụ” muỗm đã không chống chọi được với thời gian và sâu bệnh.
Những cây di sản đầu tiên
Trong số hơn 450 cây ở 40 tỉnh thành trên cả nước được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) gắn biển Cây di sản, 9 cây muỗm gần 1000 năm tuổi ở đền Voi Phục (Thụy Khuê - Ba Đình - Hà Nội) là những cây đầu tiên. Cây được gắn biển đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (5/10/2010). Đến thăm đền Voi Phục vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi giật mình khi nghe tin, hai “cụ” muỗm đã chết cách đây vài tháng vì không qua được “cơn bạo bệnh”. Do chưa được hạ bỏ nên hai thân cây khô vẫn đứng sừng sững ở phía góc trái của đền.
Cụ Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban quản lí di tích đền Voi Phục bên một gốc muỗm cổ. |
Tiếp phóng viên, cụ từ Hà Văn May (93 tuổi nhưng còn rất minh mẫn), người đã có hơn 30 năm trông coi ngôi đền này buồn rầu tâm sự: “Dù biết cây sẽ không qua khỏi nhưng tôi vẫn tiếc lắm. Ngày trước, từ trên cây rơi ra những con sâu to bằng ngón tay cái, màu trắng. Không chỉ vì sâu bệnh, qua bao nhiêu năm, còn thiếu chất dinh dưỡng vì đất ở đây quá cằn cỗi.
Tiếp lời cụ May, cụ Nguyễn Văn Tùng (80 tuổi), 26 năm làm Trưởng ban quản lý di tích này, cho biết, trước đó có đoàn khảo sát của các nhà khoa học về xem xét, phân tích tình trạng bệnh cho cây, song họ kết luận 2 cây này bệnh quá nặng và không thể cứu được.
Cũng theo cụ Tùng, trong số 7 cây còn lại thì có đến 6 cây có dấu hiệu mắc bệnh. Cụ đang cùng với các nhà khoa học của VACNE nghiên cứu tìm thuốc chữa cho cây. “Theo các chuyên gia, phương pháp chữa bệnh cho cây sẽ là tiêm chứ không phun vì cây rất cao, nếu phun sẽ gây ô nhiễm không khí khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, VACNE cũng sẽ bồi bổ thêm chất dinh dưỡng cho cây. Tuy nhiên, chi phí chữa bệnh cho 6 “cụ” cây này là khoảng 60 triệu đồng. Vì thế, chúng tôi đang kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa chứ đền không có đủ kinh phí”, cụ Tùng cho hay.
Mùa mưa bão sắp tới, để tránh tình trạng cây gẫy gây nguy hiểm, cụ Tùng đã xin phép quận cho hạ hai cây muỗm đã chết.
Che chở cho ngôi đền thiêng
Đền Voi Phục - Thụy Khuê thờ thánh Linh Lang Đại Vương như đền Voi Phục - Thủ Lệ và theo truyền thuyết, cung Dâm Đàm (phường Thụy Chương, tên cũ của Thụy Khuê) là nơi sinh thành của thánh. Câu chuyện liên quan đến thánh Linh Lang thì còn nhiều dị bản, nhưng có một điều chắc chắn là ông lập được nhiều chiến công hiển hách, nên khi mất, ông được nhân dân khắp nơi lập đền thờ. 9 cây muỗm gắn liền với lịch sử xây dựng đền. Đền trên 900 năm tuổi có từ thời Lý nên 9 cây muỗm cũng khoảng ngần ấy tuổi.
Một “cụ” muỗm đã chết vì tuổi cao và sâu bệnh. |
“9 cây muỗm trồng thành vòng tròn bao quanh đền, tượng trưng cho sự trường tồn với thời gian. Theo quan niệm của người xưa, số 9 là con số của hạnh phúc, an lành và thuận lợi, biểu tượng cho sự vĩnh cửu, đẹp đẽ, sự viên mãn tròn đầy của trời và đất. Nhiều nơi cũng có cây hơn 1.000 năm tuổi, nhưng chỉ có từ 1 – 2 cây, hiếm nơi nào có quần thể 9 cây quý giá như ở đây”, cụ May kể.
Còn cụ Tùng thì kể lại một câu chuyện khá li kì về con số 9: “Khi làm lễ tôn vinh cây Di sản cho 9 “cụ” muỗm, các cụ trong phường mua 10 quả bóng bay, tôi buộc bóng vào tấm vải đỏ phủ trên bia đá để khi cắt dây, bóng bay lên sẽ kéo theo tấm vải đỏ. Không ngờ khi buộc xong thì bỗng dưng nổ mất 1 quả, còn lại 9 quả, trùng hợp với số lượng 9 cây”.
Ấy vậy mà cái thế trường tồn, viên mãn ấy đến nay lại không còn. Sự mất mát ấy là rất đáng tiếc. Hiện nay, do quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây dựng nhiều, diện tích đền bị thu hẹp. Trong khuôn viên đền hiện chỉ có 5 cây, một cây nằm phía sau đền và một cây ở bên kia đường Thuỵ Khuê, cạnh giếng Ngọc (nay đã bị lấp). Ban quản lí đền Voi Phục đã kiến nghị khôi phục lại giếng Ngọc để trả lại thế phong thủy cho ngôi đền.
Các cây muỗm còn lại tuy đã già nhưng vẫn ra hoa kết quả. “Một năm chỉ có một vụ, tháng 2 ra hoa thì tháng 4, tháng 5 sẽ có quả. Quả rụng xuống lại mọc thành cây con. Nhiều người đến xin mang đi nhân giống ở các nơi khác”, cụ Tùng kể.
Điều mà cụ Tùng cũng như người dân Thụy Khuê mong muốn hiện nay là Nhà nước có cơ chế để bảo vệ những cây di sản như cụm muỗm cổ ở đền Voi Phục này. Cây gắn liền với di tích lịch sử, do đó, bảo vệ cây là bảo vệ di tích. Hiện nay, đền Voi Phục đang được tu sửa với kinh phí lên tới gần 20 tỷ đồng nhưng tiền để chữa bệnh cho cây thì vẫn phải vận động người dân ủng hộ.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Kì cuối: Bảo vệ không chỉ dừng ở vinh danh