Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO tại Việt Nam chủ trì hội thảo.
Thông tin nghiên cứu đưa ra tại hội thảo cho thấy: Trước đây từng có những quan điểm chưa chính xác về công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn, việc thiết lập vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị truyền thống chưa chú trọng đã gây áp lực lên sinh quyển...
Đối với Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm thì cụm đảo này là số ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ rừng đến 70%. Hệ sinh thái biển phong phú về thành phần loài và đa dạng nhóm thực vật trong hệ san hô, thảm cỏ biển.
Qua khảo sát năm 2018, độ phủ của san hô sống tăng lên nhiều lần so 31% trong năm 2008. Đặc biệt, hệ sinh thái vùng cửa sông ngày càng được bảo vệ, giữ gìn đang mang lại sự trù phú cho cư dân Cù Lao Chàm… Nghiên cứu cũng chỉ ra các áp lực của hoạt động phát triển kinh tế, du lịch tác động lên bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm thời gian qua.
Tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra ý kiến về đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An; hiện trạng dân sinh kinh tế - xã hội và sinh kế; mâu thuẫn bất cập trong quản lý sử dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An; tải lượng ô nhiễm và sức chứa cho du lịch sinh thái của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Các đại biểu cũng đề cập đến mô hình du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn đa dạng sinh học tại xã Cẩm Thanh và mô hình đồng quản lý phục hồi rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của công đồng và doanh nghiệp…
Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, đại diện Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO tại Việt Nam cho biết: Qua hội thảo cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận, giải đáp, bổ sung hoàn chỉnh. Kết quả nghiên cứu của đề tài chỉ hữu ích khi có nhiều ý kiến đóng góp và kinh nghiệp nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, về sinh kế, phát triển kinh tế xã hội cũng như các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, vận hành tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam nói riêng, các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung được chia sẻ.
Sau 3 năm, đề tài nghiên cứu đã mang lại kinh nghiệm về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế, ổn định sinh kế cho cộng đồng Cù Lao Chàm nói riêng và các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam nói chung...