Bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn - Bài 2: Tạo diện mạo mới ở nông thôn

Thành quả thực sự nổi bật trong giai đoạn 10 năm vừa qua của Chương trình xây dựng nông thôn mới đó là bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể. Đặc biệt, cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hóa với du lịch, giữa bảo tồn và phát triển.

Chú thích ảnh
Đường liên xóm xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được bê tông hóa. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Sự vào cuộc có trách nhiệm

Hầu hết các địa phương đều ban hành Kế hoạch hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra.

Nhiều địa phương đã sáng tạo, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về nông thôn mới trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng (lễ hội, chợ phiên, các hoạt động tuyên truyền lưu động ở vùng sâu, vùng xa, bằng tiếng dân tộc…) hoặc bằng tranh cổ động, panô, khẩu hiệu, thông qua các cuộc thi (“Xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” tại Bắc Ninh; “xã nông thôn mới đẹp; thôn, bản nông thôn mới đẹp” tại Nghệ An); thông qua các phong trào "Ngày thứ Bảy tình nguyện", “Ngày Chủ nhật xanh”, làm mới nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc, đào hổ chứa rác... Các hộ dân đã tích cực nâng cấp đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn, hàng rào, trồng cây xanh nơi công cộng, không còn hiện tượng vứt rác thải bừa bãi.

Nổi bật nhất là phong trào xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội đã cuộc có trách nhiệm, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc trong tôn giáo (như ở Nam Định, Thanh Hóa…) trong xây dựng cảnh quan môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa, trồng cây. Qua đó, hình thành ý thức hệ trong từng người dân, cụm dân cư, cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, với cách làm sáng tạo, tư duy không ngừng của người dân, nhiều khu vực trồng cây không chỉ mang lại giá trị cảnh quan mà còn những giá trị lớn về thu nhập (như mô hình trồng cây gió bầu dọc hàng rào để lấy trầm hương, trồng hàng rào mướp, hàng rào lá mơ ở nhiều địa phương của Hà Tĩnh).

Kết tinh từ những thành quả xây dựng nông thôn mới đã và đang định hình cho các vùng nông thôn Việt Nam trở thành những “miền quê đáng sống” điển hình như Yên Khánh (Ninh Bình); Hải Hậu, Nam Trực (Nam Định); Đan Phương, Gia Lâm (Hà Nội); Thanh Liêm (Hà Nam); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An)…

Môi trường nông thôn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khởi sắc toàn diện và tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan, môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp như huyện Tây Hòa (Phú Yên); thị xã An Nhơn (Bình Định).

Ngày càng có nhiều các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… do cộng đồng thành lập, hoạt động theo hình thức tự nguyện như mô hình “Cánh đồng không vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật”.

Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như trồng hoa, cây xanh; mô hình con đường bích họa, làng bích họa ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam)…

Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cũng có nhiều mô hình cải tạo cảnh quan đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiêu biểu là: Chương trình “Đổi bọc ni - lông lấy tập, viết”, phát túi ni-lông tự phân hủy tại An Giang, Đồng Nai; mô hình trồng hoa, trồng cây xanh dọc hai bên đường giao thông tại Hậu Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long...; mô hình “dòng sông không rác”, mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”; mô hình “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững”, mô hình “Dòng kênh sạch” tại Hậu Giang; mô hình đổi chất thải nhận quà tặng, vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu; mô hình Khu phố không rác, Khu nhà trọ không rác tại Thành phố Hồ Chí Minh… Các mô hình này đã góp phần tạo nên diện mạo mới ở nông thôn.

Đột phá về cải thiện môi trường làng nghề

Chú thích ảnh
Người dân làng cổ Bát Tràng vận chuyển sản phẩm gốm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, công tác quản lý làng nghề nói chung và bảo vệ môi trường làng nghề nói riêng có những bước đột phá trong vòng 10 năm qua. So với 10 năm về trước, các quy định về quản lý làng nghề (trong đó quan trọng nhất là xác định đối tượng quản lý ngành nghề nông thôn) đã có những bước thay đổi mang tính chất quyết định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ xác định rõ đối tượng “ngành nghề nông thôn” để tập trung quản lý. Các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề và các đối tượng không phải là làng nghề cũng từng bước được tách bạch hơn.

Minh chứng rõ nhất qua kết quả thống kê tại thời điểm tháng 5/2015, cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có hoạt động sản xuất nghề (tiểu thủ công nghiệp), trong đó có 1.839 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.

Đến tháng 12/2018, cả nước chỉ còn 2.009 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận (có 1.134 làng nghề và 875 làng nghề truyền thống), tăng 170 làng nghề được công nhận so với năm 2015 và tăng 7 làng nghề được công nhận nhưng không còn đối tượng “làng có nghề”.

Hiện 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chuyên biệt hoặc có điều khoản quy định về bảo vệ môi trường làng nghề lồng ghép trong văn bản chung. Đây là một trong những chuyển biến rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề. Các tỉnh, thành phố còn lại chưa có quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó có địa phương không có làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng “phương án bảo vệ môi trường làng nghề” theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường) như An Giang, Trà Vinh....

Một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường (như làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre; làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp...).

Một số làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường (làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)...

Tuy vậy, tại một số địa phương, nhiều làng nghề chưa được đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường; chất thải rắn, nước thải, khí thải chưa được xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất (chưa có thống kê cụ thể về khối lượng phát sinh tại các làng nghề)...

Nhiều làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tái chế phế liệu (giấy, nhựa, kim loại...) phát sinh khối lượng chất thải rắn rất lớn sau quá trình sản xuất, chất thải này không được thu gom, xử lý mà xả thẳng ra các khu vực công cộng, đặc biệt là ao hồ, bờ đê gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt, nước dưới đất, bốc mùi hôi thối và mất mỹ quan khu vực nông thôn.

Một số làng nghề có những loại hình gây ô nhiễm như làng nghề hầm than củi tại các xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, Đại Thành, thị xã Ngã Bảy; tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; làng nghề chăn nuôi heo (lợn) tại các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre)... Mặc dù địa phương đã có nhiều giải pháp (di dời ra khu vực sản xuất tập trung, cải tiến công nghệ...) nhưng đây vẫn là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nông thôn.

Bài cuối: Hình thành những 'miền quê đáng sống'

Văn Hào (TTXVN)
Bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn - Bài 1: Những kết quả thiết thực
Bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn - Bài 1: Những kết quả thiết thực

Kết quả 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là một thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là thực hiện tiêu chí về môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN