Bình Định, Quảng Ngãi khắc phục hậu quả lũ lụt

Trận lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Các địa phương bị ảnh hưởng đang gấp rút khắc phục hậu quả do mưa lũ.

* Tại Bình Định: Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến tối 17/11, trên địa bàn tỉnh đã có 16 người chết và một người mất tích do đợt lũ từ ngày 14/11 đến nay. Ngoài ra, theo đánh giá sơ bộ, toàn tỉnh có 6 nhà bị sập, 84 nhà hư hỏng, gần 100.000 ngôi nhà bị ngập; 158 phòng học bị hư hỏng; hơn 40.000 m đường giao thông bị vỡ, 40 cầu cống bị phá hủy, hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính 1.813 tỉ đồng.

Nhiều nơi tại Bình Định vẫn ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: Ly Kha/TTXVN


Hiện tại, nhiều vùng dân cư thuộc khu vực phía Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, vùng hạ lưu sông Lại Giang thuộc huyện Hoài Nhơn vẫn còn ngập sâu trong nước lũ. Các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn cùng nhiều lực lượng khác nhau vẫn đang nỗ lực cứu trợ người dân ở những vùng này.

Các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt theo phương châm “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”. Ông Trần Châu, Giám đốc Sở Giao thông, Vận tải Bình Định cho biết: Tối 17/11, quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định đã được thông tuyến. Điểm sạt lở tại tuyến đường dẫn đầu cầu Bình Định, thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn) đã được đổ đá lấp đầy. Đơn vị thi công đang nỗ lực để thông xe trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian đó, xe lưu thông qua đoạn đường này được đi vào tuyến nội thị thị xã An Nhơn. Trước đó, các điểm sạt lở gây ách tắc trên tuyến quốc lộ 19 tại đèo An Khê cũng đã được Khu quản lý đường bộ 5 khắc phục xong.

Trong ngày, Công ty Điện lực Bình Định cũng đã cung cấp điện trở lại cho hàng loạt khu dân cư và khu, cụm công nghiệp. Ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết: Tuy thiệt hại của ngành điện trong đợt lũ này rất lớn nhưng ngành đã huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục, cung cấp điện để ổn định đời sống cho người dân. Hiện tại, hơn 90% các địa bàn nước lũ rút đã được cấp điện trở lại. Riêng các khu vực phía đông thị xã An Nhơn, các huyện Phù Cát, Tuy Phước... vì nước còn ngập sâu nên chưa thể đóng điện trở lại.

Tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn đang diễn biến khá phức tạp trong khi đang nhiễu loạn thông tin về các hồ chứa nước liên tục xả lũ ngập suốt mấy ngày qua. Nhiều thông tin cho rằng hồ Định Bình cùng hồ thủy điện An Khê xả lũ gây ngập hàng loạt ở một số tỉnh. Ngày 17/11, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cùng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã kiểm tra hồ chứa nước Định Bình. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty khai thác thủy lợi Định Bình khẳng định: Hồ Định Bình chưa hề xả lượng lũ nào lớn hơn lưu lượng nước mưa vào hồ nên không thể nói là hồ đã xả lũ. Vào lúc 18 giờ ngày 17/11, lưu lượng nước vào hồ là 708m3/giây. Vì nước trong hồ đã đạt tới cao trình 89,33m gần cao trình thiết kế 92m nên Ban quản lý hồ đã để nước chảy với lưu lượng đúng bằng lưu lượng vào 708m3/giây. Trước đó, vào sáng cùng ngày, do mưa lớn, lưu lượng nước vào hồ đạt 2.085m3/giây, nhưng lưu lượng qua hồ chỉ 500m3/giây, tức đã tiết giảm lũ cho hạ du 1.585m3/giây”.

Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Tổ chức, Lao động, Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak, cho hay: 18 giờ ngày 17/11 cao trình mực nước tại hồ An Khê đạt 515,7m, trên cao trình thiết kế 0,2m. Trong khi lượng nước mưa về hồ 520m3/giây, nhưng lưu lượng chảy qua tràn của hồ là 500m3/giây. Trước đó, ngày 16/11, lượng mưa lớn đã đưa lưu lượng nước vào hồ lên tới 3.400m3/giây, nhưng hồ chỉ cho chảy quả cửa xả 2.500m3/giây, tức đã giảm lũ cho hạ du 900m3/giây.

Hiện tại, tỉnh Bình Định vẫn có mưa trên diện rộng, nhiều khả năng nước lũ về các hồ chứa lớn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ông Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các ngành chức năng phải theo dõi thật chặt chẽ diễn biến của mưa. Hồ Định Bình chỉ mở một cửa xả với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng nước vào hồ. Chỉ đến khi nào nước trong hồ vượt cao trình 90m thì báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định và phải thực hiện mọi giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho dân.

* Tại Quảng Ngãi: Sau 3 ngày mưa lũ, đây là thời điểm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dễ phát sinh dịch bệnh. Cùng với công tác tập trung khắc phục lũ lụt, ngành y tế Quảng Ngãi đã và đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý môi trường; phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế Quảng Ngãi, tính đến ngày 17/11, toàn tỉnh có hơn 83.500 nhà dân; gần 61.200 giếng nước; hơn 28.000 hố xí bị ngập trong nước lũ. Ngay s au lũ, Sở Y tế đã cử 3 đoàn công tác về các địa bàn bị ngập nặng, chỉ đạo y tế huyện, y tế xã xử lý nguồn nước uống cho bà con. Y tế cơ sở phối hợp với nhân dân xử lý môi trường, nguồn nước, xử lý triệt để xác xúc vật chết, không để phát sinh dịch bệnh.

Đến thời điểm này, y tế cơ sở đã cấp thuốc khử khuẩn và hướng dẫn nhân dân xử lý xong hơn 2.000 giếng nước. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng đã đưa về các địa phương 64 cơ số thuốc, 30 nghìn viên Chlorammin T và hơn 130 nghìn viên Aquatabs. Số thuốc y tế đã được chuyển nhanh chóng về các trạm y tế xã để xử lý môi trường và trao tận tay người dân nhằm nhanh chóng xử lý nguồn nước, giúp người dân khắc phục khó khăn về nguồn nước uống và sinh hoạt.

Ông Võ Văn Phú, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ngãi cho biết: Công tác vệ sinh phòng dịch sau lũ được hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện gấp rút triển khai. Trong lũ lụt, ngành y tế đã cấp các viên Aquatabs, Cloramin T viên để người dân có thể khử khuẩn khẩn cấp trong xô, trong thùng để có nước sử dụng ngay; đối với những giếng bị ngập nặng phải xử lý 2 lần, khuyến cáo người dân phải ăn chín uống sôi. Ngoài cơ số thuốc dự phòng, Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ngãi đang tiếp tục nhận các cơ số thuốc gồm 1.700kg Cloramin B bột và 500 nghìn viên Aquatabs từ nguồn hỗ trợ khẩn cấp của Bộ Y tế để cấp phát rộng rãi cho người dân vùng lũ trong tỉnh, nhằm tập trung xử lý triệt để nguồn nước..


Ly Kha, Đăng Lâm
34 người chết và mất tích do mưa lũ
34 người chết và mất tích do mưa lũ

Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ tại miền Trung đã làm 34 người chết và mất tích, hơn 98.000 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, Bình Định là tỉnh có số người chết nhiều nhất với 12 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN