Cần các chính sách đặc thù

Chính sách còn tản mạn

Thời gian qua, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã và đang thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Quyết định 29/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long; Quyết định 33/2013/QĐ-TTg và Quyết định 1342/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho hộ đồng bào DTTS còn du canh, du cư…

Hiện nay nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách giao thông miền núi chưa đồng bộ, không bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Ảnh: Viết Tôn


Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, các chính sách nêu trên đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: Chính sách còn tản mạn, nhiều đầu mối, văn bản; mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn. Có chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức và một số cơ chế không còn phù hợp với thực tế. Có địa phương không có quỹ đất để hỗ trợ, các giải pháp thay thế bằng đào tạo nghề giải quyết việc làm, giao khoán bảo vệ, trồng rừng… thực hiện chưa được nhiều.

Theo lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, nguồn lực bố trí thực hiện chính sách chưa đồng bộ, không đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách tính bình quân đến thời điểm hết hiệu lực chưa được 50%. Các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác đều có chủ trương ưu tiên cho vùng DTTS&MN nhưng việc bố trí kinh phí từ các chương trình liên quan để thực hiện chính sách nêu trên không đạt được. Việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương chưa được đảm bảo. Chưa có cơ chế khuyến khích cho các địa phương tự cân đối được nguồn lực bố trí vốn thực hiện các chính sách. Vậy nên, các chính sách nêu trên đến năm 2015 hết hiệu lực nhưng mục tiêu của chính sách còn lớn. Đến nay còn 42.184 hộ thiếu đất ở, 376.898 hộ thiếu đất sản xuất, 239.000 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề, 614.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt, còn trên 29.000 hộ cần hỗ trợ định canh định cư và 254.000 hộ DTTS đặc biệt khó khăn có nhu cầu chưa được vay vốn để phát triển sản xuất.

Chú trọng an sinh xã hội

Thời gian qua các chính sách giảm nghèo mới dừng lại ở mức độ giảm nghèo về thu nhập, chưa chú trọng nhiều đến an sinh xã hội, tốc độ giảm nghèo chậm và không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. DTTS chiếm 14% dân số cả nước nhưng tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn 50% hộ nghèo của cả nước. Một số bộ phận đồng bào DTTS còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai. Đối tượng cần hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, di cư không theo kế hoạch và vay vốn tín dụng ưu đãi đã được phê duyệt trong các dự án còn nhiều nhưng chưa được giải quyết.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, vùng DTTS&MN là địa bàn chiến lược của đất nước, nhưng cũng là địa bàn có nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên xảy ra thiên tai, khả năng thích ứng của đồng bào với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước còn chậm. Các thế lực thù địch vẫn còn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những khó khăn về kinh tế, an ninh chính trị vùng biên giới. Đồng bào vùng DTTS và địa bàn vùng DTTS&MN cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, khai khoáng… Việc di dân tái định cư các công trình thủy điện ở một số nơi chưa tốt, khiến đời sống và sinh kế của đồng bào cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nếu không có chính sách đặc thù hỗ trợ, người dân sẽ khó ổn định và phát triển.

Vì lẽ đó, việc xây dựng chính sách đặc thù để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo ở vùng DTTS&MN nhằm giải quyết những khó khăn bức xúc về kinh tế, đời sống của các hộ nghèo đã được phê duyệt trong các dự án của địa phương là hết sức cần thiết. Điều đó phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 36, đó là giao Ủy ban Dân tộc “… Phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để ban hành chính sách phù hợp về định canh định cư, đất ở, đất sản xuất, tái định cư, đào tạo nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, từng dân tộc…”.

Với thực trạng vùng DTTS&MN và quan điểm chỉ đạo nêu trên, Ủy ban Dân tộc đã đề suất xây dựng chính sách đặc thù theo hướng tích hợp các chính sách hết hiệu lực sau năm 2015 nhưng mục tiêu chưa hoàn thành vào trong một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung, phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách đều đã được phê duyệt tại các Quyết định 755, 29, 33, 1342, 54, 102 hiện đang thực hiện và đã đề xuất tăng vốn cho vay, giảm cho không; phân cấp cho các địa phương; điều chỉnh một số cơ chế, nâng định mức một số nội dung cho phù hợp với thực tế của vùng DTTS&MN và đề xuất cơ chế cho các địa phương tự cân đối được ngân sách chủ động bố trí nguồn lực thực hiện chính sách.

Theo lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, việc xây dựng và thực hiện chính sách đặc thù là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương và xu thế phát triển chung, không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết 76 của Quốc hội và quyền bình đẳng giữa các dân tộc theo quy định của Hiến pháp.
Chí Bình
Hơn 30 năm thực hiện chính sách dân tộc
Hơn 30 năm thực hiện chính sách dân tộc

Từ năm 1980 đến nay, trong những chính sách cụ thể, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là chính sách xóa đói giảm nghèo. Đó là nguyên nhân quan trọng để vấn đề dân tộc về cơ bản vẫn ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN