Hệ thống chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, ổn định an ninh chính trị. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn, mà cơ chế thực hiện còn nhiều vướng mắc là một ví dụ.
"Thay da đổi thịt" nhờ các chủ trương đúng
"Chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi (DT&MN)", ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá.
Mặc dù các chương trình mục tiêu quốc gia như nước sinh hoạt cho vùng miền núi đều có chủ trương ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. |
Nội dung các cơ chế chính sách nói chung và cơ chế chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực. Từ hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ dân, chính sách đã chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ; từ "cho" chuyển sang "cho vay" để tăng cường trách nhiệm của người thụ hưởng. Giữa các bộ, ngành và địa phương có sự phối hợp tích cực; vai trò của người dân và các đối tượng thụ hưởng được phát huy, từ đó tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách. Ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn nhưng cũng đã ưu tiên bố trí nguồn lực. Kết hợp với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và địa phương, kinh tế - xã hội vùng DT&MN đã được hỗ trợ, đầu tư phát triển.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và sự nỗ lực của người dân, việc triển khai thực hiện hệ thống chính sách dân tộc đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DT&MN, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 cả nước là 5,97%, giảm 5,79% so với năm 2011. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng DT&MN giảm nhanh, ở các tỉnh vùng Tây Bắc giảm 10,26%, Tây Nguyên giảm 8,40%, đồng bằng sông Cửu Long giảm 5,91%.
Sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục đạt được kết quả quan trọng, dân trí được nâng lên, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được chú trọng. Công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến vùng đồng bào dân tộc ngày càng sâu rộng. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. Trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt. Vai trò người có uy tín được phát huy. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng tăng cường, ý thức cảnh giác của đồng bào trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch được nâng lên. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Nguồn lực thấp ảnh hưởng đến hiệu quả
Tuy nhiên, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cũng thừa nhận: Các chính sách thường đúng vào thời điểm ban hành, nhưng về lâu dài, do chính sách thường có mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn và nguồn lực không đảm bảo nên một số chính sách đạt hiệu quả thấp. Có chính sách định mức thấp, cấp không đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Chính sách ban hành trước và sau thiếu sự kết nối về nội dung, nhiệm vụ. Một số chính sách vừa có nội dung đầu tư kết cấu hạ tầng, vừa có nội dung sinh kế và an sinh xã hội nhưng thiếu cơ chế phân bổ nguồn lực có hiệu quả để thực hiện đồng bộ các nội dung trên.
Cơ chế thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, từng chương trình, chính sách đều có cơ chế quản lý, thanh quyết toán riêng biệt nên khó lồng ghép thực hiện tại địa phương. Thiếu cơ chế khuyến khích đối với các địa phương thực hiện tốt chính sách cũng như chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp triển khai chậm, kém hiệu quả.
Nguồn lực cân đối, bố trí vốn cho các chính sách chưa được chủ động, chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Nguồn lực bố trí thường chỉ đáp ứng khoảng 40 - 60% kế hoạch. Việc cấp phát vốn chậm, không đồng bộ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chính sách. Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đòi hỏi suất đầu tư lớn nhưng ngân sách nhà nước bố trí kinh phí còn thấp so với nhu cầu thực tế. Tính riêng kinh phí được cấp để thực hiện các chương trình chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý giai đoạn 2011 - 2015 mới đạt 44,77% kế hoạch vốn được phê duyệt và nhu cầu của địa phương. Tuy các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác đều có chủ trương ưu tiên cho vùng đồng bào DT&MN nhưng thực tế không đạt được như mong muốn. Việc lồng ghép nguồn lực của một số chính sách không khả thi như chính sách thay thế hỗ trợ đất sản xuất bằng đào tạo nghề giải quyết việc làm và hỗ trợ nước sinh hoạt.
Theo ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, hệ thống chính sách phát triển dân tộc, miền núi gồm hơn 170 văn bản quy phạm pháp luật nhưng cơ quan quản lý Nhà nước về dân tộc (Ủy ban Dân tộc) chỉ quản lý trực tiếp hơn 10 chính sách, còn lại do các cơ quan khác đề xuất và theo dõi nên rất phân tán, khó điều hành và giám sát. Hệ thống chính sách này còn nhiều tồn tại như thời gian ngắn, tư duy mang tính nhiệm kỳ; nguồn lực không đảm bảo; cách thức hỗ trợ chưa phù hợp nên thụ động, tạo tâm lý ỷ lại; tổ chức quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả; chính sách hỗ trợ mang tính bình quân, cào bằng…