Chung tay bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam - Bài 3: Tuyên truyền bảo vệ trong tình hình mới

Để tạo ra sự thay đổi hành vi trong bảo vệ loài hoang dã, công tác tuyên truyền phải có các phương pháp tác động thích hợp, dựa trên các nghiên cứu khoa học về cơ chế thay đổi hành vi của cá nhân, nhóm xã hội. Cơ chế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủ thể của tác động thông tin, truyền thông; đặc điểm nội dung, ngôn ngữ của tác động truyền thông…

Những rào cản

Chú thích ảnh
Chuyên gia của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội trực tiếp thực hiện việc tái thả các cá thể rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang Trung Quốc về rừng. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Thạc sĩ Hà Hồng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị-một người có 30 năm làm công tác tuyên truyền lĩnh vực liên quan đến môi trường, trong đó có lĩnh vực loài hoang dã, cho rằng có những rào cản khi thực hiện nhiệm vụ này.

Theo thạc sĩ Hà Hồng, khi mạng xã hội phát triển, một trong những yếu tố “tiếp tay” cho việc làm giảm đa dạng sinh học là xuất hiện tràn lan các trang quảng cáo buôn bán loài hoang dã. Chỉ tính trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên facebook, youtube, zalo, tiktok và các trang mạng điện tử. Con số này không có dấu hiệu giảm xuống khi 4 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận 424 vi phạm.

Trong khi đó, lực lượng đưa tin tuyên truyền cho mảng này vừa thiếu vừa không chuyên sâu. Ở các nước khác, phóng viên viết về lĩnh vực bảo vệ môi trường bắt buộc phải có hai bằng đại học (báo chí và môi trường hoặc tương đương). Ở Việt Nam, phóng viên chủ yếu chỉ có một trong 2 bằng đại học (báo chí hoặc chuyên ngành liên quan tới môi trường). Các trường báo chí, khoa báo chí của nhiều trường đại học chưa có khóa đào tạo cho phóng viên chuyên ngành. Nhiều tổ chức quốc tế, trường đào tạo báo chí, Bộ Tài nguyên và Môi trường thỉnh thoảng có tổ chức các đợt đi thực tế, tọa đàm lĩnh vực loài hoang dã nhưng mới dừng lại ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhiều cơ quan báo chí đã luân chuyển liên tục phóng viên, không có phóng viên chuyên sâu lĩnh vực. 

Thạc sĩ Hà Hồng nhấn mạnh, để tiếp cận điều tra một vụ việc nóng trong thành phố, khu công nghiệp, nhà máy không đơn giản, nhưng dù sao cũng thuận lợi hơn nhiều khi vượt đèo, lội suối, băng rừng hàng tuần, hàng tháng, thậm chí qua nhiều năm mới có được tư liệu ghi lại thực trạng chặt hạ trái phép các loài cây quý, hiếm hay săn, bắt động vật hoang dã. Phóng viên có thể tiếp cận cũng rất nguy hiểm vì người vi phạm thường thông thuộc địa hình và sẵn sàng dùng vũ khí để tự vệ. 

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí phải tự hạch toán kinh phí hoạt động nên việc cấp kinh phí cho một nhóm phóng viên đi nhiều ngày viết phóng sự điều tra bị hạn chế, gây khó khăn do không thể tiếp cận các trạm kiểm soát, cửa khẩu, hải quan để thu thập thông tin liên quan đến việc vận chuyển, tiêu thụ loài hoang dã. Do đó, thông tin tuyên truyền không nhiều, chủ yếu là những tin, bài viết dựa trên báo cáo của các cơ quan quản lý nên thiếu sinh động và không có tính phát hiện.

Thêm một rào cản khác nếu không “đeo bám” đến cùng sự việc, tìm hiểu rõ ràng để có kiến nghị cụ thể khi theo dõi và thông tin về loài hoang dã và ngược lại sẽ đạt được hiệu quả tuyên truyền cao. Thạc sĩ Hà Hồng chia sẻ, 5 loài vật được liệt kê trong danh sách 100 loài đang lâm nguy nhất thế giới của Việt Nam gồm sao la, gà lôi lam mào trắng, rùa Hồ Gươm, cá vồ cờ và voọc mũi hếch.

Hơn 20 năm tuyên truyền về vùng đất văn hóa Hồ Gươm, trong đó có loài rùa Hồ Gươm, kể cả khi rùa đã mất với việc tác giả có 194 lần trực tiếp được nhìn thấy rùa nổi. Những sự việc này đã được đăng tải trên các trang thông tin điện tử của cơ quan truyền thông đại chúng. Nhiều bức ảnh rùa tai đỏ xuất hiện ở Hồ Gươm cũng được cảnh báo do đây là một trong những loài động vật đe dọa đến nguồn thức ăn của rùa và các loài khác đang sống trong hồ. Thêm nữa, cảnh báo việc dùng gầu máy xúc nạo vét hồ sẽ phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái bùn Hồ Gươm. 

Đầu năm 2011, phóng sự ảnh rùa Hồ Gươm bơi với hàng loạt vết loang lổ mốc, trầy xước trên lưng của tác giả Hà Hồng được đăng tải, gây sự chú ý của độc giả, góp phần thúc giục các cơ quan chức năng của Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm. Nguyên nhân rùa bị trầy xước là do rùa thường chui qua lại ống nước thải từ đền Ngọc Sơn ra cống ở đường đôi Đinh Tiên Hoàng. Trước đây, ống nước này được ghim chặt dưới đáy sau bị bật lên, nổi lập lờ trên mặt nước. Bởi vậy, thành phố đã cấp tốc thay đường ống thoát nước thải, chôn ngầm dưới hàng cột của cầu Thê Húc. 

Nhờ cung cấp cho các nhà khoa học bộ ảnh chụp cận cảnh rùa Hồ Gươm với những hình ảnh chính xác, năm 2019, Thạc sĩ Hà Hồng đã được mời vào Hội đồng khoa học nghiệm thu làm tiêu bản rùa Hồ Gươm theo công nghệ hiện đại nhất thế giới là nhựa hóa, do các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng hai nhà khoa học của Cộng hòa liên bang Đức thực hiện. 

Năm 2020, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một cá thể rùa cùng loài với rùa Hồ Gươm ở hồ Đồng Mô. Như vậy, Việt Nam hiện có 3 cá thể rùa này, trong đó 2 cá thể ở hồ Đồng Mô và 1 cá thể ở hồ An Khánh. UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch bảo tồn loài rùa này.

Bên cạnh đó, để vượt qua những rào cản về nhận thức, nhiều tổ chức phi chính phủ đã có cách làm phù hợp khi mạng xã hội phát triển mạnh. Tổ chức nhân đạo quốc tế tại Việt Nam phát hành phim ngắn “Mai sau con lớn” lay động trái tim hành khách của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mang thông điệp hy vọng chấm dứt nạn săn bắt trộm tê giác tại châu Phi, cùng nỗ lực giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã. 

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ra mắt phim ngắn truyền thông “Ác mộng của bạn-Hiện thực của gấu” cho thấy một thực tế tàn nhẫn tại các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam, phải thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên để tránh những hậu quả đáng tiếc. Phim ngắn “Khỉ không phải thú cưng” để nâng cao nhận thức cho người dân nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt khỉ để làm thú cưng-hoạt động bất hợp pháp đang diễn ra rất phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Giải pháp căn bản và lâu dài

Chú thích ảnh
Loài Voọc được bảo tồn trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: TTXVN

Thạc sĩ Hà Hồng kiến nghị, giải pháp căn bản và lâu dài để tuyên truyền hiệu quả là mở các khóa đào tạo phóng viên viết chuyên ngành môi trường nói chung, loài hoang dã nói riêng trong các trường đào tạo báo chí hoặc khoa báo chí. Mỗi sinh viên khi tốt nghiệp có hai bằng đại học hoặc tương đương là báo chí và môi trường. 

Các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những phóng viên đang theo dõi lĩnh vực môi trường với mỗi 1 hoặc 2 năm/lần. Kinh phí đi thực tập đủ để hỗ trợ phóng viên một số cơ quan báo chí viết bài nhiều kỳ. Trong quá trình phóng viên đi thu thập thông tin, có cơ quan làm đầu mối để phối hợp lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, chính quyền địa phương. 

Các giải pháp trong Chỉ thị 29 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra cần được thực hiện tốt. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo; trưng bày tuyên truyền, mua bán mẫu động vật hoang dã đã bị cấm theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý động vật hoang dã; tiếp tục tuyên truyền về không sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Bên cạnh đó là tổ chức giải báo chí viết về loài hoang dã theo định kỳ 2 năm, phát động phong trào phóng viên nói không với việc sử dụng các sản phẩm được chế biến từ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp như phong trào “đã uống rượu bia không lái xe”…

Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Phùng Hữu Phú đề cao tính cấp thiết của việc bảo vệ loài hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu sống của chính con người. Việc áp dụng khoa học thay đổi hành vi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có vị thế, uy tín trong xã hội. 

Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ loài hoang dã, theo Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, bên cạnh vai trò của các phương tiện, hình thức thông tin như báo chí, văn học nghệ thuật, tuyên truyền miệng, sinh hoạt cộng đồng, mạng xã hội…, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần chú trọng hướng đến thay đổi cách ứng xử từ chinh phục sang cùng chung sống nhằm định hình giá trị biết chung sống, yêu quý và bảo vệ tự nhiên.

Bài cuối: Thúc đẩy chiến lược chống tội phạm buôn bán loài hoang dã

Minh Nguyệt (TTXVN)
Chung tay bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam -  Bài 2: Nỗ lực quản lý và bảo tồn
Chung tay bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam - Bài 2: Nỗ lực quản lý và bảo tồn

Nhìn nhận được những thách thức, hạn chế trong quản lý và bảo tồn loài hoang dã, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực dài hạn và liên tục kết hợp với hoạt động thực thi pháp luật và cải thiện sinh kế cho người dân trong bối cảnh đa dạng sinh học đối mặt với xu hướng suy giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN