Cá chết hàng loạt nghi do ô nhiễm nguồn nước
Bản Bó, phường Chiềng An nằm gần khu vực hang nước Tát Tòng, nơi cung cấp nguồn nước chính cho Nhà máy Xử lý nước sạch số 1 thành phố Sơn La. Chính vì có điều kiện thuận lợi là nguồn nước tự nhiên dồi dào nên những năm qua, người dân ở đây đã phát triển nghề nuôi cá để tăng thêm thu nhập. Ba ngày trở lại đây, khi nguồn nước dẫn về bản bị ô nhiễm bởi việc xả thải của các cơ sở chế biến, sản xuất cà phê ở khu vực đầu nguồn, hàng loạt ao hồ của người dân đã xuất hiện tình trạng các chết hàng loạt.
Gia đình ông Lù Văn Thắng ở bản Bó, phường Chiềng An có một ao nuôi các loại cá như chép, rô. Những giống cá này được ông thả cách đây từ 3 đến 4 tháng, đang phát triển bình thường. Ngày 6/12/2020, đàn cá trong ao đồng loạt ngoi lên mặt nước và bơi lờ đờ, sau đó, một số con có hiện tượng ngửa bụng và bị chết. Ông Lù Văn Thắng cho biết, đến nay, hầu hết số cá nuôi trong ao của gia đình ông đã bị chết. Tổng trọng lượng cá bị chết ước tính gần 1 tạ, thiệt hại trên 20 triệu đồng.
Các ao cá với tổng diện tích hơn 5.000 m2 của gia đình chị Vi Thị Hinh, phường Chiềng An cũng xảy ra tình trạng tương tự. Các loại cá từ nhỏ đến lớn đều xuất hiện tình trạng nổi lên rồi sau đó bị chết. Chị Vi Thị Hinh cho hay, mấy hôm nay nguồn nước chị dẫn từ suối vào ao xuất hiện mùi hôi giống mùi nước thải cà phê. Sau đó, cá bắt đầu ngoi lên, một số con sau đó đã bị chết. Đây không phải là năm đầu tiên gia đình chị gặp trường hợp này. Năm 2019, ao cá của gia đình chị cũng xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt đúng vào thời điểm nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải cà phê.
Mặc dù thiệt hại lớn nhưng không có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, hỗ trợ thiệt hại cho gia đình chị cũng như những người dân trong bản. Chị Vi Thị Hinh mong muốn các lực lượng chức năng sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt và có hình thức hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại.
Nguồn nước bị ô nhiễm kéo dài
Ngày 7/12 là ngày thứ 4, Xí nghiệp cấp nước thành phố số 1 (Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La) phải dừng hoạt động do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm bởi hoạt động sơ chế cà phê. Vào thời điểm bình thường, hệ thống xử lý nước sạch tại Xí nghiệp cấp nước thành phố số 1 có công suất 10.000 m3/ngày, đảm bảo cung cấp nước cho khoảng 15.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Sơn La. Do vậy, những ngày qua, đơn vị phải điều tiết nước tại nhiều trạm cấp nước ở khu vực khác về để đảm bảo cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, do công suất tại các trạm cấp nước nhỏ, nên chỉ đáp ứng được cho một số khu vực dân cư. Đến nay, nhiều khu vực dân cư ở thành phố Sơn La đã xảy ra tình trạng thiếu nước.
Ông Hoàng Văn Thưởng, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước thành phố số 1 thông tin, việc ngừng nước chưa biết kéo dài đến khi nào, phụ thuộc vào việc có tìm ra nguồn xả thải gây ô nhiễm hay không. Trường hợp tỉnh Sơn La yêu cầu các cơ sở chế biến cà phê dừng hoạt động cũng phải mất từ 2 đến 3 ngày mới có thể cấp nước sạch trở lại. Bởi đã có một lượng lớn nước quẩn trong các hang ngầm, trong các hồ chứa và ngấm vào đất nên cần thời gian để rửa trôi.
Tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải cà phê không phải lần đầu xảy ra tại thành phố Sơn La. Năm 2017, Xí nghiệp cấp nước thành phố số 1 đã phải dừng cấp nước trong thời gian 10 ngày; năm 2018 không có hiện tượng ô nhiễm. Năm 2019, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tiếp tục tái diễn nhưng ở mức độ nhẹ hơn và thời gian nguồn nước bị ô nhiễm chỉ kéo dài từ 5 - 7 giờ.
Ông Đỗ Quang Phượng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty cổ phần cấp nước Sơn La cho biết: Đơn vị đã kiến nghị với các cơ quan chức năng cần sớm cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước để loại bỏ những cơ sở gây ô nhiễm, nhất là các cơ sở chế biến cà phê bởi đã thường xuyên gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước trong những năm gần đây. Mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi cắm cần giao cho chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm.
Sơn La là tỉnh có diện tích trồng cây nông nghiệp lớn; trong đó, có khoảng 17.000 ha cà phê tập trung ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Liên tục từ năm 2012 trở lại đây, tỉnh Sơn La đã phải nhiều lần ngừng cấp nước do ô nhiễm nguồn nước từ sơ chế cà phê.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La Lê Thị Thu Hằng cho biết: Từ đầu vụ cà phê năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã lập 47 biên bản vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế. Hiện nay, tính chất vi phạm của các cơ sở ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, hiện các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La đều nằm trong khu vực có nguồn nước cấp cho thành phố Sơn La. Vì vậy, tỉnh Sơn La cần giao ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan quy hoạch lại vùng chế biến tập trung, không để rải rác nhỏ lẻ, gần nguồn nước. Bởi nếu không có giải pháp đưa các cơ sở chế biến nông sản ra xa các nguồn nước thì mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế sẽ khó đảm bảo.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh, trước mắt, đối với những cơ sở sản xuất sơ chế cà phê nằm trong hành lang an toàn đầu nguồn nước, tỉnh yêu cầu tạm dừng hoạt động để nhanh chóng cấp lại nước cho người dân. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Sơn La cùng các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các cơ sở sơ chế cà phê, đánh giá tác động môi trường để phát hiện sai phạm, đề xuất xử lý theo đúng quy định. Cùng với đó, về lâu dài, tỉnh Sơn La giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước bản Mòng (xã Hua La, thành phố Sơn La) để có nguồn cấp nước dự phòng cho thành phố.