Đối thoại với công nhân và người nhận khoán trồng cà phê ở Đắk Lắk

Ngày 2/7, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk tổ chức đối thoại giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Thắng Lợi với công nhân và người nhận khoán chăm sóc vườn cây để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong sản xuất. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì đối thoại.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội trường buổi đối thoại. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Tại đối thoại, đại diện công nhân, hộ nhận khoán chăm sóc vườn cây cà phê đã nêu khó khăn, yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Thắng Lợi giải quyết thỏa đáng, dứt điểm những vấn đề bà con kiến nghị.

Các nội dung kiến nghị chủ yếu là: Công ty điều chỉnh, bổ sung một số điều, khoản trong phương án khoán gọn vườn cà phê cho các hộ, vì sau 20 năm vườn cây đã già cỗi, sâu bệnh; nếu giữ mức khoán quá cao, đời sống các hộ sẽ rất khó khăn. Công ty xem xét giảm sản lượng phải nộp theo hợp đồng giao khoán, vì năm 2018 thiên tai, dịch bệnh nên mất mùa nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đại diện công nhân, các hộ nhận khoán đề nghị Công ty hoàn trả lại tiền thủy lợi phí khấu hao kênh mương, hồ đập (255 nghìn/hộ/năm) đã thu của người dân nhận khoán có nước tưới trên hệ thống kênh mương từ năm 1998 đến 2017. Công ty cần giải thích, giải quyết chế độ bảo hiểm thỏa đáng cho công nhân, bởi mức đóng hiện nay là rất cao (có người đóng 32 triệu đồng/năm). Đại diện công nhân, các hộ cũng kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hơn 616 ha đất liên kết giữa công ty với các hộ, giao về cho địa phương quản lý để cấp đất cho người dân...
 
Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Thắng Lợi đã giải trình những kiến nghị, vướng mắc của công nhân, người nhận khoán về: Phương án nộp sản lượng khi thực hiện khoán gọn; cách tính khấu hao vườn cây; quyền lợi người lao động trên phần đất liên kết sản xuất; những vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội của công nhân và người nhận khoán; việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước… Lãnh đạo Công ty thừa nhận đã thu sai khoản tiền thủy lợi phí (tiền khấu hao kênh mương, hồ đập) của các hộ nhận khoán trong giai đoạn 2011 - 2017. Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty trả lại số tiền này cho bà con và việc này đang thực hiện.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk giải trình rõ thêm một số vấn đề có liên quan tại buổi đối thoại. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Đại diện các sở, ban, ngành: Tài Chính, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã làm rõ thêm vấn đề người dân kiến nghị.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, mâu thuẫn phát sinh từ phương án khoán cũ đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế và có sự chậm trễ trong rà soát, điều chỉnh lại phương án khoán. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  phê bình lãnh đạo Công ty Cà phê Thắng Lợi không thấy được cuộc sống của người lao động đang gặp khó khăn với hình thức khoán cũ; chưa làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, chưa công khai cho người dân được biết dẫn đến chậm phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Công ty phải thay đổi phương án khoán vườn cây cà phê và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7/2019; giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, thẩm định phương án trước khi trình UBND tỉnh. 

Chú thích ảnh
Đại diện các hộ dân phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Đối với diện tích 616,4 ha đất liên kết giữa Công ty bà con yêu cầu UBND tỉnh giao về địa phương quản lý đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa của Công ty, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục nghiên cứu tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7.  Đối với vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm, trợ cấp thôi việc đã được các đơn vị có liên quan trả lời nhưng còn nhiều vấn đề chưa rõ, nhiều hộ cũng chưa đồng ý, UBND tỉnh ghi nhận,  giao Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, các đơn vị có liên quan nghiên cứu để trả lời thỏa đáng cho bà con. 

Riêng nội dung kiến nghị về thu thủy lợi phí do Công ty đã thu sai so với các quy định, UBND tỉnh đã họp và đồng ý trả lại cho bà con số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; đề nghị bà con nhận lại số tiền này để Công ty hoàn thành quyết toán, tạo thuận lợi để chuyển giao sang Công ty Cổ phần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cũng khẳng định, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe, chỉ đạo Công ty, các đơn vị có liên quan nghiên cứu giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc của bà con.

Liên quan đến vụ việc, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk Trần Hồng Tiến cho biết, mâu thuẫn giữa Công ty Cà phê Thắng Lợi với công nhân và các hộ nhận khoán vườn cây cà phê diễn ra từ cuối năm 2018 đến nay. Nguyên nhân một phần do Công ty chưa giải quyết một cách thỏa đáng, dứt điểm kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất. Sau khi nắm bắt tình hình, Thường trực Huyện ủy đã báo cáo với Tỉnh ủy; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành tập trung phối hợp với Công ty xử lý, giải quyết vụ việc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trước mắt không để người dân tập trung đông người, khiếu kiện kéo dài. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Thắng Lợi là doanh nghiệp nhà nước được thành lập ngày 20/4/1977, tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, với chức năng nhiệm vụ chính là trồng và chăm sóc, kinh doanh cà phê xuất khẩu và các mặt hàng nông sản… với 2.141 ha đất được giao.

Hiện, Công ty đang quản lý 1.782 ha cà phê, có gần 1.200 cán bộ, công nhân viên. Từ năm 1998 đến năm 2010, Công ty thực hiện Phương án hợp tác đầu tư sản xuất cà phê, phân chia sản phẩm (Công ty hưởng 51% sản phẩm; hộ nhận khoán hưởng 49% sản phẩm sau khi trừ mọi chi phí đầu tư) với cán bộ, công nhân viên. Từ năm 2011 trở đi, Công ty đã hợp đồng khoán gọn vườn cây đối với các hộ nông trường viên.

Anh Dũng (TTXVN)
Hà Nội đối thoại và gỡ khó cho các doanh nghiệp xe khách tuyến cố định
Hà Nội đối thoại và gỡ khó cho các doanh nghiệp xe khách tuyến cố định

Hàng loạt vấn đề "nóng" liên quan đến tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai luồng tuyến, xe hợp đồng, xe limousine; các thủ tục hành chính liên quan đến xe khách tuyến cố định; quy hoạch tuyến vận tải; các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp vận tải… đã được các doanh nghiệp vận tải nêu ra tại buổi đối thoại với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội diễn ra chiều 26/6, với sự tham gia của 97 đơn vị vận tải, đại diện bến xe, cơ quan quản lý…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN