Trong số 19 ý kiến phát biểu tại hội nghị có 10 ý kiến liên quan đến tình trạng xe dù, bến cóc, xe limousine… hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trá hình “bóp nghẹt” các doanh nghiệp vận tải xe khách tuyến cố định - vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước vì chưa có giải pháp hữu hiệu.
Đại diện doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định tỉnh Yên Bái cho rằng, tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại nhiều năm nay và ai cũng biết, lực lượng chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để mà ngược lại ngày càng phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lộng hành của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vận tải khách liên tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng. Quy định đối với xe khách tuyến cố định thì quá chặt, trong khi đối với xe hợp đồng thì quá lỏng đã gây ra sự bất hợp lý, khó khăn cho hoạt động xe khách tuyến cố định, chưa kể do cơ chế chính sách nên việc xử lý vi phạm của loại xe hợp đồng trá hình này cũng rất khó khăn.
Liên quan đến vấn đề “xe dù, bến cóc”, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên Nguyễn Vũ Mạnh cho biết, xung quanh bến xe Mỹ Đình mọc lên nhiều tụ điểm đón trả khách tồn tại nhiều năm, song không được giải tỏa. Việc hạn chế lưu lượng giờ xuất bến cũng là nguyên nhân làm xe dù, bến cóc xung quanh bến Mỹ Đình phát sinh ngày càng nhiều. Do đó Sở Giao thông Vận tải cần phải xem xét điều tiết giờ xuất bến hợp lý, nếu không hành khách sẽ bỏ bến đi xe hợp đồng, limousine và tình trạng xe dù, bến cóc không thể giải quyết được.
Theo Ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Công ty xe buýt Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng xe dù, bến cóc , xe limousine… không có dấu hiệu giảm, tiếp tục tăng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của xe khách tuyến cố định. Công ty muốn đổi mới phương tiện, nhưng do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng nên chưa dám đầu tư đổi mới phương tiện. Ông Vinh đề nghị, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để dẹp xe dù, bến cóc và xe limosine trá hình vận tải khách liên tỉnh. Sở Giao thông Vận tải cần nhanh chóng tổ chức các tuyến buýt kết nối với các tỉnh lân cận có cự ly dưới 100 km để dẹp nạn xe dù.
Giải đáp các đề xuất, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định là do điều kiện kinh doanh, quản lý xe hợp đồng còn lỏng lẻo. Do đó cần phải sửa đổi các quy phạm pháp pháp luật theo hướng thắt chặt hơn đối với loại hình này. Còn xe khách tuyến cố định quản lý quá chặt cũng cần phải sớm hủy bỏ những quy định bất hợp lý.
Trưởng phòng vận tải Đào Việt Long cho biết, hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô (xe buýt, xe khách cố định, taixi, xe hợp đồng, xe du lịch) ở Hà Nội thời gian qua đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, kể cả trong các dịp cao điểm lễ, Tết. Sản lượng hành khách năm 2018 đạt gần 807 triệu lượt hành khách, đáp ứng 14,45% nhu cầu đi lại của người dân. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 422 triệu lượt khách, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong thời gian qua cũng đánh dấu sư phát triển mạnh mẽ của các loại hình xe công nghệ, góp phần tăng cường năng lực vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.
Về cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, người lái xe đã chấp hành các quy định trong hoạt động quản lý vận tải, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực bến xe, tạo sự công bằng giữa các đơn vị trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, hoạt động vận tải còn những hạn chế như: Xe hợp đồng để tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh, thành phố như tuyến cố định. Một số đơn vị vận tải sử dung trụ sở doanh nghiệp, phòng vé, văn phòng đại diện, các khu đất trống hoặc đất dự án chưa triển khai nằm trên địa bàn các quận, huyện…, không được cấp phép để hoạt động đón trả khách, bốc xếp hàng hóa sai quy định, dẫn đến hình thành “bến cóc”, các vị trí này có bố trí các thiết bị để kiểm tra tình trạng phương tiện, rửa xe, bổ sung nước làm mát… sau các chuyến đi nhằm che mắt lực lượng chức năng.
Xe khách liên tỉnh thông qua địa bàn Hà Nội (không có điểm đầu, cuối tại Hà Nội) lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân gần các khu vực bến xe đã vi phạm các quy định như: Chạy sai hành trình, rà rê, dừng đỗ đón trả khách sai quy định, gây ùn tắc giao thông và mất trật tự an toàn giao thông. Một số tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện không có phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải đón trả khách tại các khu vực bến xe (chủ yếu là xe tỉnh khác về Hà Nội hoạt động). Tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến, thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe trên tuyến được phê duyệt.
Hiện tượng “xe khách trá hình” vẫn chưa được xử lý triệt để khi lực lượng chức năng thiếu kiểm tra, giám sát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp vận tải, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông Vận tải ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Sở sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh cũng như kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉnh sửa những bất cập cho phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải cũng như tạo thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân.