Tại cuộc họp, đại diện UBND huyện Cao Lãnh đã báo cáo về dự án cầu sông Cái Nhỏ nối liền xã Bình Thạnh với xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, kết hợp với việc xây dựng hạ tầng tuyến dân cư vào cầu xây dựng năm 2006 theo hình thức BOT. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH BOT cơ sở hạ tầng Đồng Tháp, nay là Công ty Cổ phần thu phí cầu đường Đồng Tháp.
Theo kết quả kiểm toán mới nhất được báo cáo tại cuộc họp, dự án cầu sông Cái Nhỏ có tổng giá trị quyết toán hơn 35 tỷ đồng, được đưa vào khai thác và thu phí từ ngày 31/12/2009. Thời gian thu phí hoàn vốn là 9 năm 8 tháng, tức đến tháng 8/2019.
Hợp đồng thu phí là sau khi thu phí hoàn vốn sẽ được thu thêm 5 năm. Do đó, dự kiến hết hạn thu phí vào tháng 8/2024. Tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị khai thác trạm thu phí thường xuyên không đưa vé hoặc biên lai thu tiền, tự ý thu vé cao hơn giá niêm yết, thái độ ứng xử của nhân viên thu phí thiếu tôn trọng khách qua cầu, “né” bán vé tháng cho người dân địa phương.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Công an huyện Cao Lãnh cho biết, với những lý do trên, chiều 25/9, tài xế và người dân dùng tiền lẻ để phản ứng và yêu cầu buộc xả trạm. Tình hình mất an ninh trật tự tại cầu sông Cái Nhỏ tiếp tục diễn biến phức tạp trong nhiều ngày liên tục.
Đến khoảng 19 giờ ngày 29/9, đông đảo người dân đi xe gắn máy và xe tải tập trung tại trạm BOT để phản đối trạm thu phí này, trong đó, nhiều cá nhân lợi dụng tình hình hỗn loạn đã có những hành vi quá khích, chửi bới, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm, tối ngày 29/9, Công an huyện đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng có biểu hiện kích động, gây rối trật tự công cộng gồm: Trần Thiện Thắng (sinh năm 1978) và vợ là Nguyễn Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1989) cùng có hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, tạm trú tại xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh; Phạm Anh Vũ (sinh năm 1999), ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh; Phạm Hoàng Quy (sinh năm 1983) và Trần Thanh Tùng (sinh năm 1988) cùng trú xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương giao UBND huyện Cao Lãnh phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cùng Đơn vị kiểm toán thống nhất số liệu tính toán, trên cở sở đó làm việc với đơn vị đầu tư, khai thác dự án BOT cầu sông Cái Nhỏ để đàm phán rút ngắn thời gian khai thác dự án.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Dương cũng thừa nhận, việc trạm thu phí BOT đặt tại cầu sông Cái Nhỏ cách bến phà Sa Đéc (nối huyện Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chỉ hơn 7 km là điều bất cập hiện nay. Để giải quyết lâu dài theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND tỉnh có kế hoạch rút ngân sách mua lại phần giá trị còn lại từ đơn vị đang khai thác dự án BOT cầu sông Cái Nhỏ.
Trong thời gian đàm phán, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Cao Lãnh thường xuyên theo dõi tình hình khu vực trạm thu phí cầu sông Cái Nhỏ, kịp thời giải quyết vướng mắc, đảm bảo an ninh trật tự; các cơ quan đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương cần tăng cường tuyên truyền thông tin chính xác về dự án cho người dân được biết.