Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thừa nhận sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh chóng trên thế giới, đe dọa sức khỏe của loài người. Tính đến sáng 14/3, toàn thế giới đã có 140.730 ca nhiễm, trong đó có 5.373 người tử vong.
Tại Việt Nam, tổng số người mắc COVID-19 hiện đã lên tới hơn 50 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, việc đảm vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Với phương án “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương huy động mọi nguồn lực nhằm xác định cụ thể từng trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với bệnh nhân, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã căng mình tìm ra phương án hữu hiệu nhất bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sỹ thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, thực hiện nhiều biện pháp dự phòng; chính quyền cũng quyết định trích ngân sách số tiền lớn nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch...
Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, người dân đồng lòng làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại. Ai cũng hiểu rằng, cả hệ thống chính trị đã và đang làm hết sức mình, thể hiện rõ nét tinh thần nhân đạo, lấy sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hành động. Sự hoang mang ban đầu của người dân khi dịch bùng phát dần giảm đi, thay vào đó là niềm tin vào quyết sách của Đảng và Nhà nước.
Trường hợp người thân của bệnh nhân thứ 32 đã không ngần ngại thuê hẳn một chuyên cơ với chi phí rất tốn kém bay nửa vòng trái đất để mang con gái họ trở về quê hương chữa bệnh, cho thấy niềm tin của người dân vào những gì Việt Nam đã làm được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh cả thế giới đang hoang mang vì bệnh dịch lan nhanh, hành động kịp thời của lãnh đạo Việt Nam, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc, thành công trong điều trị 16 ca bệnh đầu tiên (đều khỏi bệnh và được ra viện) đã củng cố niềm tin của người dân khi người thân, gia đình họ đang phải đối mặt với bệnh dịch nguy nan.
Diễn biến của dịch bệnh dù vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam liên tục chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài). Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, thậm chí chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, bởi trên thực tế, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, không cho phép chính quyền, lực lượng chức năng và người dân chủ quan, lơ là.
Sau 22 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã có thể hy vọng sớm công bố hết dịch, nếu như không có một chuyến bay “bão táp” cõng theo virus SARS-CoV-2 từ vùng dịch trở về. Giá như, bệnh nhân thứ 17 không gian dối khi dùng hai hộ chiếu để qua mặt lực lượng chức năng, giá như những người đến từ vùng dịch thực hiện triệt để các biện pháp được khuyến cáo.
Sự ích kỷ, hành vi thiếu trách nhiệm của một số cá nhân đến/về từ vùng dịch, đã khiến cả bộ máy công quyền cùng biết bao con người đã phải tổn hao rất nhiều công sức, tiền của, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chỉ riêng việc tập hợp được thông tin, lịch trình, số người tiếp xúc, liên quan... của tất cả hành khách trên chuyến bay mang theo mầm bệnh, đã khiến lực lượng chức năng và các cấp chính quyền nhiều địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Hàng nghìn cá nhân liên quan đã được sàng lọc, thực hiện các biện pháp cách ly, các khuyến cáo cần thiết, nhưng chính quyền và người dân cả nước vẫn chưa hết lo lắng.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, toàn dân căng mình chống dịch, lại xuất hiện những thành phần lợi dụng tình hình để “thừa nước đục thả câu”. Trong thời điểm nhạy cảm đến mức một tiếng hắt hơi giữa nơi công cộng cũng khiến nhiều người giật mình, thì việc xuất hiện những thông tin giật gân trên mạng xã hội càng khiến dư luận hoang mang.
Những thông tin thất thiệt được các đối tượng xấu đưa ra như: Người dân trốn khỏi khu cách ly, bệnh nhân đã đến địa điểm vui chơi giải trí, nơi công cộng... liên tục xuất hiện trên mạng, vì động cơ cá nhân, thu hút sự chú ý của nhiều người. Để thỏa mãn sự ích kỷ cá nhân, những kẻ “anh hùng bàn phím” đã thêm mắm, thêm muối, thêu dệt những câu chuyện giật gân, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Quyết liệt xử lý những hành vi này, vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản xử phạt 23 trường hợp cố tình tung tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận. Theo các luật sư, nếu cá nhân có hành vi vi phạm nhiều lần, không tuân thủ cam kết, gây nguy hiểm cho xã hội, có thể bị xử lý hình sự.
Đáng buồn là ngay cả những người có trình độ học vấn cao, vì muốn thể hiện cái tôi của mình, đã cổ súy cho lối sống tự do cá nhân hẹp hòi. Trong khi cả nước đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người, thì một số người cố ý làm ngược lại để thể hiện mình là người có cá tính. Những bài viết mang tính hô hào, lôi kéo thanh niên lên đường du lịch trong thời điểm này, không biết có ích lợi gì cho tác giả, nhưng chắc chắn đi ngược lại những khuyến cáo của cơ quan chức năng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Khi cả xã hội đứng trước đại dịch, với những nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, thì những hành vi vị kỷ, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân dù vô tình hay cố ý, đã gây tổn hại đến sự nỗ lực và kết quả chung của cả cộng đồng trong cuộc chiến chống giặc dịch. Những hành vi đó thật đáng lên án, khi cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn nhiều cam go thử thách ở phía trước. Cuộc chiến chống dịch sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng khi người dân cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng, tự giác thực hiện triệt để các khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chức năng.