Nơi đây đã trở thành mái ấm cho những trẻ không may mắn, bị bỏ rơi được sống trong tình yêu thương và nuôi dưỡng ước mơ đến trường...
Ngôi nhà yêu thương
Nằm trong khuôn viên Nhà thờ chính tòa Bùi Chu, cô nhi viện Thánh An là ngôi nhà ấm cúng của 104 em nhỏ mồ côi, khuyết tật và 7 người già yếu. Đây có thể coi là một "làng" trẻ mồ côi thu nhỏ với 7 dãy nhà được xây dựng khang trang, sạch sẽ, có hệ thống nhà ăn, phòng ngủ, khu bếp, nhà cầu nguyện, khu vui chơi và sinh hoạt chung.
Ngoài ra, xung quanh cô nhi viện còn có ao, vườn, chuồng trại được các nữ thiện nguyện chăn nuôi, trồng trọt gia tăng sản xuất, cải thiện bữa ăn cho các em.
Theo Linh mục Giuse Phạm Ngọc Oanh, vào cuối thế kỷ XIX, đời sống của người dân rất khốn khó, nhiều trẻ em bị bỏ rơi vì gia đình thiếu thốn. Đa số các em bị bỏ rơi thường là do đau yếu, bệnh tật cần sự chăm sóc.
Do đó, năm 1852 Linh mục Giuse An, vốn là người Tây Ban Nha, Giám mục Giáo phận Trung - Bùi Chu, đã thành lập cô nhi viện với tên gọi Nhà Dục Anh, để nhận nuôi dưỡng, giáo dục các em nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật từ 12 tuổi trở xuống, không phân biệt lương - giáo. Sau này, Nhà Dục Anh được đổi tên thành thành cô nhi viện Thánh An chăm sóc, dưỡng dục các em mồ côi, khuyết tật.
Các em nhỏ ở đây đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi em mang trong mình một hoàn cảnh, nỗi đau riêng, bị cha mẹ chối bỏ. Nhiều cặp vợ chồng sinh con xong mang đến và bỏ lại con ở ngoài cổng tòa thánh, có trường hợp bỏ lại con ở bãi rác, ven đường, cổng chợ được người dân phát hiện báo cho cô nhi viện đưa về nuôi.
Tại đây có những bé sơ sinh mới chỉ gần tháng tuổi, cũng có em năm nay đã gần 20 tuổi nhưng tàn tật sống trong hình hài đứa trẻ, ngây ngô và không thể sinh hoạt như người bình thường. Tất cả mọi việc từ sinh hoạt, ăn, ngủ đều phải nhờ các nữ thiện nguyện.
Trong số 104 em đang được nuôi dưỡng tại cô nhi viện Thánh An, có 25 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, bị khiếm thính, khiếm thị, bại liệt, thần kinh, đao… sinh hoạt tại một khu riêng.
Ở đây, ngoài việc được chăm sóc y tế, các em luôn được các nữ thiện nguyện theo sát để đảm bảo an toàn, tránh những mối nguy hiểm khi lên cơn bệnh. Với các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, cô nhi viện tạo điều kiện cho đi học văn hóa, học nghề.
Ở một gian phòng nhỏ khu dành cho trẻ tàn tật, cô bé Trần Thanh T. có khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn ngồi nắn nót từng nét chữ. Năm nay, T đang theo học lớp 7 tại Trường Trung học cơ sở Xuân Ngọc.
Em được cô nhi viện nhận nuôi lúc 6 tuổi, đó cũng là khi em mất đi đôi chân do tai nạn. Người thân duy nhất của em là ông ngoại không đủ sức để chăm nom đứa cháu nhỏ tàn tật. Cô nhi viện đã trở thành mái ấm thứ hai, nâng đỡ để T tiếp tục thực hiện ước mơ đến lớp của mình.
Hiện cô nhi viện đã tạo điều kiện cho hơn 50 em nhỏ mồ côi được theo học văn hóa, học nghề giúp các em tự lập và hòa nhập cộng đồng.
Ông Vũ Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ngọc cho biết, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, làm thủ tục pháp lý, xét duyệt cho hàng nghìn lượt em nhỏ tàn tật tại cô nhi viện được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp các em mồ côi được theo học tại các cơ sở giáo dục. Hàng năm, xã tổ chức các hoạt động từ thiện, ủng hộ, dành sự thăm hỏi, động viên giúp các em vơi đi sự mặc cảm và tự tin vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.
Những người "mẹ" thầm lặng
Như một lời hứa với Chúa, không tìm hạnh phúc riêng cho mình, quyết định rời xa gia đình để gắn bó với cô nhi viện suốt đời, 13 nữ thiện nguyện đang hàng ngày chăm sóc, nâng đỡ từng em nhỏ tại cô nhi viện như chính những người mẹ sinh ra các em.
Mới ngoài 30 tuổi, đang là một thợ may lành nghề với thu nhập ổn định, chị Nguyễn Thị Thật rời xa quê hương Phủ Lý, Hà Nam để đến với cô nhi viện, hàng ngày chăm sóc 12 em nhỏ tàn tật. Người “mẹ” ấy đến đây với một tấm lòng hướng thiện vô điều kiện. Chị xem những em nhỏ không may mắn ở đây như con đẻ của mình.
Chị Thật tâm sự, thời gian đầu đến cô nhi viện, có những lúc nhớ quê, nhớ người thân chị muốn về nhà nhưng gắn bó với ngôi nhà tình thương này một thời gian, mỗi khi có việc rời xa các con một vài ngày, trong lòng lại thấp thỏm không yên.
Trực tiếp chứng kiến các nữ thiện nguyện làm việc ở đây mới thấu hiểu tình người, tình yêu thương bao la mà chỉ có những người ruột thịt mới có thể làm được. Không quản ngày đêm, các chị chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, có khi thức trắng đêm vì các con bị bệnh quấy khóc.
Hơn 30 năm gắn bó với cô nhi viện, chị Nguyễn Thị Hiên đã chăm sóc cả nghìn em nhỏ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Chị chia sẻ, các em ở đây thiếu nhiều lắm, thiếu sữa, thiếu quần áo và nhiều hơn cả là thiếu những cái ôm, thiếu tình thương. Những đứa trẻ khác sinh ra được gia đình vỗ về ôm ấp, nhưng ở đây, có em bị bỏ ngay khi dây rốn còn chưa kịp cắt.
Giọng nghẹn lại, mắt ngân ngấn nước, chị cho biết, ở đây có em bị bại não, dù đã 2 tuổi mà không biết làm gì, chỉ nằm một chỗ. Cho ăn uống rất khó khăn vì khó mở miệng, chưa kể ăn xong lại trớ ngay…
Dù công việc vất vả là vậy song chị Hiên cũng như các nữ thiện nguyện ở đây đều quyết định gắn bó với cô nhi viện. Với niềm tin vào Chúa, tình yêu, tình thương của mình với các con, các chị đang ngày đêm nâng niu, chăm sóc, bù đắp cho những mảnh đời bất hạnh.
Chúng tôi rời cô nhi viện khi trời đã xế bóng. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang báo hiệu mùa Giáng sinh ấm áp an lành đã về, cầu mong cho các em nhỏ ở đây mỗi ngày mới là một ngày vui, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.