Nghị định 90/2017/NĐ – CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó có quy định cấm hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó và không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2017. Quy định, chế tài đã có nhưng trên thực tế hiện nay ở Hà Nội, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trên các tuyến phố, điểm vui chơi công cộng khiến nhiều người dân không khỏi lo sợ trước nguy cơ bị chó tấn công.
Báo động chó thả rông, không đeo rọ mõm
Nuôi chó trông giữ nhà là tập quán của người dân, nhất là ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nơi đất rộng rãi. Riêng huyện Sóc Sơn, tổng đàn chó, mèo của toàn huyện là 89.076 con, chiếm 21% tổng đàn chó, mèo của toàn thành phố. Điển hình là các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Trung Giã, Phù Linh, có hộ nuôi 8 - 10 con, hầu hết là nuôi thả rông. Một số xã vùng đồi núi, mỗi hộ ở trên diện tích hàng nghìn m2, hầu hết không có tường rào nên việc quản lý chó nuôi và tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo hàng năm gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tình hình mua bán, vận chuyển chó mèo trong các địa phương làm thực phẩm mang tính tự phát, thậm chí mua từ các tỉnh lân cận, nơi hàng năm vẫn xảy ra dịch bệnh dại, khó kiểm soát.
Không chỉ ở vùng ngoại thành mà ngay trong nội đô, người dân cũng có thể dễ dàng bắt gặp những con chó không đeo rọ mõm được chủ dắt đi trên đường phố, thậm chí ngay tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, gây bức xúc cho du khách trong thời gian dài. Trước thực trạng này, quận Hoàn Kiếm đã thông báo cấm tuyệt đối việc người dân mang thú nuôi vào tuyến phố đi bộ nhưng thi thoảng những chú chó “vô kỷ luật” không đeo rọ mõm vẫn nghênh ngang trên đường phố.
Ở khu đô thị Linh Đàm thời gian gần đây, người dân không khỏi lo ngại khi tình trạng chó không đeo rọ mõm diễn ra khá phổ biến ở những địa điểm công cộng. Việc dắt chó đi trong thang máy, ra ngoài đường không rọ mõm diễn ra thường xuyên. Nhất là trong khu vực Công viên Linh Đàm vào những ngày cuối tuần, khi người dân đi bộ, tập thể dục, trẻ nhỏ chơi ở công viên rất đông, nhưng nhiều người vẫn dắt chó đi dạo; trong đó, có người dắt 3 – 4 con chó, có những con to lừng lững dằng dây xích khỏi tay chủ chạy lồng lên trong công viên khiến nhiều người khiếp sợ.
10 tháng đầu năm nay, địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều trường hợp chó mắc dại, nghi mắc dại, chó thả rông, chó lạ cắn người tại một số quận, huyện, gây tâm lý hoang mang cho người dân, trong đó đã có 3 người chết do phát bệnh dại. Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người bệnh lên cơn dại, 100% dẫn tới tử vong.
Trước những vụ việc thương tâm do chó cắn xảy ra gần đây, người dân yêu cầu lực lượng chuyên trách của chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm về nuôi và quản lý vật nuôi để đẩy lùi số vụ tai nạn thương tích do chó cắn. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ gia đình nuôi chó thấy được việc thả rông chó không rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Người nuôi chó cần phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khu vực nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi dắt chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó có người dắt. Trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí, kể cả việc cho vật nuôi hay tiêu hủy chó.
Chủ động phòng chống bệnh dại
Ông Lương Xuân Mạnh, Trạm trưởng Trạm thú y Sóc Sơn cho biết, trước tình hình bệnh dại và các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tái phát và lan rộng, diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố, Trạm Thú y Sóc Sơn đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tham mưu, đề xuất với UBND huyện những giải pháp thiết thực nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Bên cạnh đó, trạm đã thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch bệnh như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo; quản lý tốt đàn chó mèo; phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan thú y và y tế, nhất là trong việc quản lý chó, mèo và người bị chó mèo cắn; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư hóa chất và tổ chức lực lượng tiêm phòng đến các xã, thôn. Đồng thời, công tác kiểm dịch, kiểm tra vật tư thú y được duy trì tốt; các chốt kiểm dịch liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông chó, mèo từ các tỉnh qua địa bàn.
Các địa phương làm tốt công tác kiểm soát việc giết mổ chó, buôn bán, vận chuyển chó mèo. Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ huyện tới cơ sở, công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, kết quả tiêm phòng dại và tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao, nên mấy năm gần đây, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện Sóc Sơn.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao. Để có thể ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các quận, huyện tăng cường vào cuộc, kiểm soát đàn chó, mèo và loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi thông qua việc tiêm phòng vắc xin; duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo, phấn đấu đạt trên 90% tổng đàn.
Ngành chức năng tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam... Các cơ sở y tế đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vắc xin, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn.