Tất bật vào mùa Tết Ghé thăm làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) những ngày này, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp không khí tấp nập của các xe chở lá dong, chở bánh đi tiêu thụ ở khắp nơi trong thành phố. Đập vào mắt là màu xanh tràn ngập, tươi mới của lá dong, mùi thơm của gạo, ngậy bùi của đỗ. Người người, nhà nhà hối hả với việc rửa, cắt lá dong, làm nhân, gói và luộc bánh chưng trên những bếp lửa bập bùng.
Các công đoạn chuẩn bị để gói bánh chưng của người dân làng Tranh Khúc. |
Theo người làng Tranh Khúc, muốn làm được bánh chưng ngon thì ngay từ khâu chọn gạo, chọn đỗ đã phải rất kỹ càng. Bánh chưng ngon phải dùng gạo nếp cái hoa vàng từ vùng Hải Hậu (Nam Định), đỗ xanh phải thơm vàng, hạt to đều, được nấu chín nhuyễn, vàng đều. Bánh chưng ngon, ngậy cũng một phần nhờ thịt lợn, người làng Tranh Khúc thường dùng thịt ba chỉ hoặc thịt vai, vừa có nạc vừa có mỡ đều nhau, được chần qua nước nóng trước khi thái, như vậy miếng thịt vừa sạch lại cứng, sau đó ướp hạt tiêu, mắm muối đầy đủ. Lá dong thường được nhập từ các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Nghệ An...
Đại diện cơ sở làm bánh chưng Mai Phương, làng Tranh Khúc cho biết, thông thường người dân Tranh Khúc chuẩn bị nguyên liệu từ sáng sớm, đến trưa, chiều bắt đầu gói, để kịp giao bánh cho khách vào sáng hôm sau. Nghề làm bánh chưng Tranh Khúc được truyền từ đời này sang đời khác, vì thế người dân làng Tranh Khúc không cần dùng khuôn để gói bánh chưng mà vẫn tạo ra những chiếc bánh chưng vuông vắn, đều đặn.
“Ngày thường chúng tôi sản xuất từ 600 - 700 bánh, vào những ngày cuối năm, số lượng tăng gấp 5 - 6 lần. Tuy nhiên, không có số lượng cụ thể, tùy vào lượng đặt từng ngày để chúng tôi sản xuất. Mặc dù, giá thịt lợn năm nay có nhích lên chút ít, nhưng giá bánh chưng vẫn không tăng. Bánh loại phổ thông có giá 30.000 - 50.000/cái. Loại đặc biệt giá 70.000 - 80.000/cái. Bánh được gửi vào miền Nam, đi nước ngoài thường được đặt với giá 100.000 đồng/cái”, đại diện cơ sở Mai Phương cho biết thêm.
Thông thường, mỗi giờ đồng hồ, người thợ gói bánh Tranh Khúc có thể gói được từ 80 - 100 chiếc bánh. Một người gói, có khoảng 3 - 4 người buộc lạt cho bánh. Trước đây, các hộ thường dùng bếp than, bếp củi để luộc bánh chưng. Bây giờ, nhiều nhà dùng nồi hơi để luộc bánh, một nồi hơi có thể cung cấp hơi nóng cho 5 - 6 nồi luộc bánh chưng, nguyên liệu đốt là than đá nên cho nhiệt độ cao hơn.
Nếu luộc bằng than trước đây mất khoảng 14 - 15 tiếng, thì luộc bằng nồi hơi chỉ mất 8 - 9 tiếng. Khi bánh chín, thường được rửa qua nước lạnh để bánh được sạch, lá không bị khô, xấu. Sau đó dùng vật nặng chèn lên để nước trong vỏ bánh chảy hết ra, bên cạnh đó cũng giúp bánh nở đều, các góc chặt như nhau.
Giữ chữ tín như giữ vàngCàng về cuối năm, người dân Tranh Khúc lại càng phải chay đua với Tết, vì đây là khoảng thời gian tiêu thụ bánh chưng lớn nhất trong năm. Cao điểm từ ngày 20 tháng Chạp tới ngày 30 Tết. Tuy phải làm nhanh với số lượng lớn cho dịp Tết, nhưng người làng Tranh Khúc vẫn rất chú ý tới việc đảm bảo chất lượng, các khâu được làm rất cẩn thận. Vì thế, dù nhiều cơ sở bánh chưng mọc lên nhưng bánh chưng Tranh Khúc vẫn giữ được thương hiệu của mình.
Chị Nguyễn Thị Hằng (làng Tranh Khúc) cho biết: “Đây không chỉ là nghề truyền thống, nhiều gia đình ở Tranh Khúc đang sống nhờ nghề làm bánh chưng. Do vậy, nếu đưa ra các sản phẩm kém chất lượng, người mua sẽ không đặt nữa, người ta sẽ chuyển sang hàng khác, lượng sản xuất của chính nhà mình sẽ bị ảnh hưởng. Cuộc sống gắn liền với nghề, kèm theo sự cạnh tranh thì buộc các gia đình phải đảm bảo chất lượng. Có uy tín thì mới giữ được khách”.
Bánh chưng Tranh Khúc hiếm có năm nào bị "ế", vì đa phần các gia đình đều có các đầu mối tiêu thụ sản phẩm, họ thường làm theo đơn đặt hàng. “Mỗi nhà sẽ có những địa bàn, khách hàng riêng. Như nhà chúng tôi thường giao bánh cho khu vực: Xuân Thủy, Cầu Giấy. Còn những nhà khác thì giao ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm... Bánh còn được đưa vào các siêu thị, bán ở các chợ quanh Hà Nội, các vùng xung quanh. Dịp Tết, bánh được chuyển cả vào Sài Gòn, Nha Trang, Huế... hay được gửi đi nước ngoài cho những người không về quê ăn Tết được như ở Nga, Đức...”, đại diện cơ sở sản xuất bánh chưng Mai Phương cho biết.
Theo người làng Tranh Khúc, khó xác định được làng nghề có bao nhiêu năm tuổi. Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc có từ lâu đời, trong giai đoạn hai cuộc chiến tranh có bị mai một nhưng sau đó lại được khôi phục, phát triển mạnh. Đặc biệt là từ khi công cuộc đổi mới của đất nước. Khi đó, mỗi người có mỗi việc riêng, đặc biệt là thời điểm gần Tết, nhiều gia đình quá bận rộn, trong khi đó bánh chưng lại là sản phẩm không thể thiếu được trong ngày Tết, cúng giỗ đầu năm, nên làng nghề bánh chưng phát triển mạnh nhờ đó.
Theo bà Lý Thị Thiệp, Trưởng thôn Tranh Khúc (xã Duyên Hà) cho biết, cả thôn hiện có hơn 200 hộ dân thì hơn một nửa làm nghề gói bánh chưng. Bánh chưng không chỉ nuôi sống mà giúp nhiều người có cuộc sống sung túc, khấm khá.