Đìu hiu làng nghề
Người dân trong vùng đã quá quen với cảnh cứ mỗi độ mùa nước nổi về, cả làng đóng xuồng ghe Long Hậu (Đồng Tháp) lại âm vang những tiếng búa, máy cưa, máy bào... phát ra từ những trại đóng ghe, xuồng nằm san sát hai bên bờ rạch. Từng tốp thợ tất bật làm việc để “xuất xưởng” những chiếc xuồng mới, phục vụ người dân vào mùa lũ. Từ đôi tay khéo léo, cần cù của những người thợ giỏi, nhiều loại xuồng như: xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá, xuồng cui, các loại ghe chài, ghe tam bản được khách hàng khắp nơi vùng Tây Nam Bộ ưa chuộng.
Làng nghề ghe, xuồng Long Hậu đìu hiu khi không có lũ về. |
Không chỉ có giá trị về vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, chiếc xuồng gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước của miền Tây Nam Bộ. Vài năm trở lại đây, lũ thất thường, có năm về ít, có năm không về, sản phẩm của làng trở nên khó tiêu thụ. Đi dọc đường làng, không ít xưởng đã treo biển bán máy cưa gỗ đóng thuyền, nhiều chiếc xuồng chưa kịp hoàn thiện đã bị úp xuống bỏ không vì không có khách đặt mua...
Là một trong số những người làm nghề lâu năm tại đây, gia đình ông Hồ Văn Kiệt đã có 4 đời làm nghề đóng xuồng ghe tại Long Hậu. Hàng năm cứ đến tháng 3 Âm lịch, xưởng đóng ghe xuồng của gia đình ông Kiệt có đến 15 tay thợ lành nghề, tấp nập sản xuất từ 300 đến 400 chiếc xuồng phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản cho vùng Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
“Từ đầu mùa nước tới giờ, tôi mới đóng được có 50 chiếc bán sang Cần Thơ chứ ở đây bán không ai mua. Mấy năm trước thì bán cho An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... còn như bây giờ chỉ còn 1 tỉnh là Cần Thơ là có người mua. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi phải bỏ nghề”, ông Kiệt ngậm ngùi.
Lo lắng bảo tồn làng nghề
Theo ước tính của người dân trong làng, hiện tại lượng xuồng ghe tiêu thụ tại Long Hậu giảm 90% so với năm 2015. Cả làng nghề Long Hậu có hơn 150 hộ làm nghề nhưng tính tới thời điểm này, chỉ còn khoảng 30 hộ duy trì sản xuất. Nhiều chủ xưởng sản xuất tại đây cho biết, nếu tình trạng không có lũ kéo dài trong các năm tới thì họ sẽ tạm ngưng hoạt động và chuyển sang làm công việc khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Là người cả đời gắn bó với nghề đóng ghe, thuyền, ông Nguyễn Văn Sẹ, ấp Long Hòa, xã Long Hậu (Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) không khỏi trăn trở, với tình hình sản xuất không có người mua như hiện nay, nhiều thanh niên của làng đã bỏ đi nơi khác kiếm việc. “Nếu cứ như thế này, thợ đi hết, rồi cái nghề cha ông cũng bị mai một dần”, ông Sẹ lo lắng.
Lo lắng của ông Sẹ cũng là lo lắng chung của những bậc cao niên trong làng. Người dân nơi đây mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ để giúp bảo tồn làng nghề.
Được biết, những năm trước đây, địa phương cũng đã có các giải pháp để khôi phục, phát triển làng nghề. Chẳng hạn, khó khăn lớn nhất của những hộ làm nghề đóng xuồng là thiếu vốn, để tồn tại được với nghề, các hộ này phải tạm ứng tiền trước của các chủ vựa, thương lái để có tiền mua nguyên liệu, vì thế thu nhập của họ ngày càng ít đi. Vì vậy, từ năm 2006, chính quyền địa phương đã lập dự án hỗ trợ vốn cho những hộ có cơ sở sản xuất.
Vốn hỗ trợ phần nào đã động viên người dân Long Hậu gắn bó với nghề, tuy nhiên, theo bà con, số tiền cho vay không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Với việc lũ về thất thường như hiện nay, sẽ còn khiến cho tình hình sản xuất ghe xuồng Long Hậu thêm khó khăn. Do đó, để có thể phát triển làng nghề truyền thống này, bên cạnh những giải pháp về vốn, đổi mới sản xuất thì ngành văn hóa, du lịch ở tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch và tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với làng nghề đóng xuồng Long Hậu để ngày càng thu hút được nhiều du khách tìm đến làng nghề hơn nữa.