Lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong ngành thủy sản. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN. |
Khảo sát đời sống công nhân nữ tại các khu công nghiệp (KCN), cả nước có 325 KCN với gần 3 triệu lao động, trong đó có hơn 1,1 triệu lao động nữ. Một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có nhiều tỉ lệ lao động nữ, nhiều doanh nghiệp, tỉ lệ này chiếm từ 80-90%. Khảo sát mới đây về lao động nữ cho thấy, số lao động nữ có nhà riêng chiếm hơn 33%, ở nhà tập thể của doanh nghiệp chiếm 1,5%, thuê ở nhà trợ hơn 32%, còn lại ở với người thân.
“Lao động nữ chưa có gia đình đa số ở các tỉnh khác đến làm việc tại KCN, phải thuê nhà trọ chiếm tỷ lệ cao 75%. Điều này phản ánh tình trạng đa số lao động nữ còn khó khăn về nhà ở và các tiện nghi sinh hoạt”, bà Trịnh Thanh Hằng cho biết.
Về thời gian làm việc, lao động nữ có thời gian làm việc 8 tiếng/ngày chiếm hơn %; làm việc từ 9-10 tiếng/ngày là gần 13%; còn lại là làm việc từ 11-12 tiếng/ngày. Số lao động nữ làm việc 7 ngày trong tuần chiếm gần 20%. Điều này phản ánh nhiều lao động nữ phải làm việc thêm giờ, ảnh hưởng đến sức khỏe của lao động nữ.
“Phỏng vấn chuyên sâu về chế độ làm việc của lao động nữ cho thấy do điều kiện ở và làm việc tại KCN thiếu thốn nên khi lập gia đình đều gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Đồng thời, phải tăng ca, làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, tuổi làm việc của công nhân khu công nghiệp chỉ khoảng 33 tuổi”, bà Trịnh Thanh Hằng cho biết.
Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng, doanh nghiệp quan tâm hơn đến vấn đề nhà ở, nhà trẻ, đời sống văn hóa, chế độ tiền lương tối thiểu, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để nâng cao hơn nữa đời sống người lao động, nhất là lao động nữ tại các KCN.