Người dân Quảng Ngãi phải sống chung với 1.500 tấn rác ùn ứ trong 6 ngày

Ngày 12/7, tại cuộc họp khẩn giữa UBND tỉnh với các sở, ngành và địa phương liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính khẳng định: UBND tỉnh giao cho UBND thành phố Quảng Ngãi chủ trì trong việc xử lý 1.500 tấn rác đang ùn ứ trong 6 ngày (từ 7-12/7) ở các điểm thu gom rác trong thành phố Quảng Ngãi.

Điểm tập kết rác “khủng” tại khu vực chợ Lê Trung Đình. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Toàn bộ lượng rác này sẽ tạm thời đưa xuống bãi rác Đồng Nà (thành phố Quảng Ngãi), không được đưa về hai huyện Đức Phổ và Bình Sơn như công văn khẩn của UBND tỉnh đã ban hành trước đó.

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc chia sẻ rác về huyện Bình Sơn và Đức Phổ rất dễ gây thêm điểm nóng, bởi theo thông tin tỉnh nắm bắt được, người dân ở hai địa phương này không đồng ý cho việc tiếp nhận rác từ thành phố. Hơn nữa, hai bãi rác ở Bình Sơn và Đức Phổ không thể chứa hoặc xử lý dứt điểm lượng rác của thành phố.

Ông Nguyễn Tăng Bính cũng yêu cầu thành phố Quảng Ngãi gấp rút tổ chức tiếp nhận rác, hạn chế tối đa ô nhiễm mùi và nguồn nước, gây mất vệ sinh an toàn cho thành phố, người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Đồng Nà.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cũng mong muốn người dân ở bãi rác Đồng Nà chia sẻ khó khăn của tỉnh; đồng thời kêu gọi người dân trong địa phương nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện tốt việc phân loại rác ngay tại nhà để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt.

Để đưa rác về Đồng Nà, UBND thành phố Quảng Ngãi phải gấp rút xây dựng văn bản nhằm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xin mở lại bãi rác Đồng Nà; đồng thời tiến hành xây dựng phương án xử lý khẩn cấp lượng rác thành phố tồn đọng trong nhiều ngày qua cho đến khi xử lý xong các vấn đề tại bãi rác Nghĩa Kỳ. Phương án xử lý này phải có sự tham vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và một số chuyên gia.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính, đây là giải pháp tạm thời nhằm xử lý khẩn cấp tình trạng rác ùn ứ nhiều ngày qua ở thành phố Quảng Ngãi. Về lâu dài, tỉnh vẫn phải tính đến phương án thu gom rác thải sinh hoạt của thành phố Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành về bãi rác Nghĩa Kỳ sau khi Nhà máy rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ xây dựng xong; đồng thời giải quyết dứt điểm bức xúc của người dân ở khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ. Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp đối thoại với người dân để tìm tiếng nói chung trong việc đưa rác về đây để xử lý trong thời gian tới.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ dự án nào có nguy cơ về ô nhiễm môi trường đầu tư tại xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) – nơi có bãi rác Nghĩa Kỳ. Về vấn đề xử lý bãi rác Nghĩa Kỳ tại Nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ, chính quyền địa phương cần công khai với người dân về khoảng cách cho phép từ bãi rác đến khu dân cư, lấy tham vấn của cộng đồng đối với việc tác động môi trường của bãi rác.

Song song với các giải pháp khẩn cấp, Quảng Ngãi yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc phải thực hiện theo tiến độ đã cam kết. Nếu đơn vị này đưa vào vận hành công đoạn nào phải đảm bảo theo qui định về môi trường. Đến thời hạn cam kết (ngày 30/9) nếu không hoàn thành sẽ rút giấy phép đầu tư, mọi tổn thất Công ty phải chịu hoàn toàn theo qui định. Trước mắt, trong 5 ngày tới, Công ty phải thực hiện phủ bạt, xử lý nước rỉ từ bãi rác đã nhập về trước đó, để tạo niềm tin cho dân.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa thừa nhận: Người dân sống tại bãi rác Nghĩa Kỳ đã chịu cảnh hôi thối từ bãi rác, các dự án trang trại heo và sự ô nhiễm từ khu nghĩa địa tập trung của tỉnh. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền giải quyết kiến nghị này chưa kịp thời. Do đó, tỉnh cần giải quyết dứt điểm việc gây ô nhiễm của bãi rác Nghĩa Kỳ, không nên tiếp tục cho rác nhập về đây; nếu không giải quyết dứt điểm rất dễ gây mất an ninh trật tự và bị các phần tử xấu lợi dụng, kích động.

Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho rằng: Mỗi ngày, trung bình tại thành phố có khoảng 250 tấn rác. Do 6 ngày qua, không được thu gom nên lượng rác trên thành phố bị ùn ứ và chỉ khoảng 1 – 2 ngày tới sẽ quá tải, rất dễ gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, bãi rác Đồng Nà chỉ còn khoảng 3.000m2 nên chỉ có thể “cầm cự” được khoảng 20 ngày tới. Do đó, tỉnh phải chủ động xây dựng phương án lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề rác thải.

Như TTXVN đã phản ánh, bãi rác tại xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) hằng ngày tiếp nhận khoảng 340 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố Quảng Ngãi và các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh. Tuy nhiên, vì khoảng cách từ bãi rác đến khu dân cư quá gần nên hàng trăm hộ dân sống xung quanh bị ô nhiễm. Do đó, nhiều ngày qua, người dân nơi đây đã ngăn chặn không cho xe vào đổ rác. Hàng trăm tấn rác đã bị ùn ứ, gây ô nhiễm và mất mỹ quan thành phố.

Thành phố Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ trở thành thành phố rác nếu không có giải pháp căn cơ, giải quyết lâu dài.

Sỹ Thắng
TP Hồ Chí Minh 'nóng’ xử lý rác thải công cộng và bảo tồn di sản văn hóa
TP Hồ Chí Minh 'nóng’ xử lý rác thải công cộng và bảo tồn di sản văn hóa

Nghị trường HĐND TP Hồ Chí Minh trong ngày làm việc thứ 2 tiếp tục "nóng" các vấn đề về việc xả rác công cộng,gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và việc bảo tồn di sản văn hóa hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN