Dưới chân núi Langbiang nổi tiếng của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng giờ đang là mùa hoa Mai anh đào nở. Cánh rừng này đang là điểm thu hút các tay săn ảnh trong cả nước tìm kiếm, đổ về để ghi lại khung cảnh đẹp rực rỡ mà nguyên sơ. Tuy nhiên, ngay dưới gốc những cây Mai anh đào cổ thụ đó, người dân địa phương đang từng ngày xâm lấn để làm nương rẫy, khiến điểm du lịch này có nguy cơ biến mất.
Vượt qua quãng đường gần 10 km leo ngược núi, trên con đường mòn khấp khểnh đất đá từ thị trấn Lạc Dương, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tới sườn Đông của đỉnh Langbiang, nơi có tên là “Làng cũ” của đồng bào dân tộc K’Ho. Tới địa điểm này, ai cũng ngỡ ngàng bởi cả một sườn núi lưng chừng đỉnh Langbiang đang rực lên một sắc hồng. Hàng trăm cây Mai anh đào đang nở rộ, tạo thành những “khối lửa hồng” xen lẫn giữa màu xanh của đại ngàn, dệt nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng kỳ thú. Đi sâu vào trong khu rừng, phóng viên chứng kiến nhiều cây Mai anh đào to cỡ cả vòng tay người lớn ôm mới hết, mọc xen giữa những cây rừng rậm rạp.
Đáng tiếc thay, ngay dưới chân cánh rừng rực rỡ kia lại bị chen vào những mảnh rẫy đang bị cháy nham nhở. Nhiều ụ đá do người dân dọn nương xếp chi chít để lấy đất trồng cà phê, trồng bông hoặc dâu tằm. Một đám khói đốt nương lớn tỏa ra bàng bạc, che phủ cả một góc rừng Mai anh đào, khiến cho sắc hồng của hoa trở nên vàng vọt như một lời oán thán.
Chúng tôi gặp hai vợ chồng anh Chil K’Lỳ, 40 tuổi, dân tộc Chil - K’Ho là chủ của đám đốt nương trên. Anh cho biết, đây là đám rẫy của anh, rộng khoảng gần 2ha, qua Tết sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình anh từ thị trấn Lạc Dương sang bên này làm rẫy, cứ mỗi năm phát cây làm 1 khúc. Đất nhiều đá lắm, nhưng nếu không làm sẽ không còn đất. Phía rừng cây Mai anh đào trên kia cũng là của nhà anh nhưng cao quá nên chưa làm tới, sau này có làm không thì chưa biết. Trên đó, những cây Mai anh đào gốc to như tảng đá kia, không biết có từ bao giờ. Những cây khác mới phát triển cách đây mấy năm, do chim ăn trái rồi thải hạt ra xung quanh.
Anh Chil K’Lỳ cho biết thêm: “Nếu có làm nương trên đó, tôi cũng sẽ để lại những cây mai này cho đẹp…”. Đó là anh nói vậy, chứ khi đất rừng đã biến thành nương rẫy, những cây Mai đó đã là của gia đình anh, chặt hay để là do anh quyết định.
Làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, ông Phạm Văn Phương, Phó Hạt trưởng cho biết: Khu vực trên thuộc Tiểu khu 113 A và 113B, thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Vườn Quốc gia này cũng có một hạt kiểm lâm có thẩm quyền tương đương các hạt kiểm lâm cấp huyện. Do đó, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương chỉ quản lý bao quát toàn địa bàn, Hạt của Vườn Bidoup - Núi Bà quản lý cụ thể với đủ chức năng quản lý, giám sát, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, khi phát hiện có vi phạm tại lâm phần do Vườn Quốc gia quản lý, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương cũng có thể thông tin cho đơn vị bạn và báo cáo chính quyền huyện xử lý.
Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương Trịnh Văn Tiến cho biết, ông cũng mới đi qua khu vực này và quả thật là bây giờ mới biết có một cánh rừng Mai anh đào đẹp như vậy nên ngắm mãi mà không muốn rời. Nếu thực sự xác định có hành vi xâm lấn đất rừng, gây nguy hại cho cánh rừng này, đơn vị sẽ có ý kiến đề nghị Hạt Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà kiểm tra xác minh cụ thể. Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đang dự kiến đề xuất chính quyền địa phương khoanh vùng, bảo tồn rừng Mai anh đào này để tạo thành điểm tham quan du lịch của địa phương.
Được biết, khu vực giáp cánh rừng Mai anh đào trên có tên là Làng Cũ bởi hàng chục năm trước, khu vực này là làng của đồng bào dân tộc K’Ho. Sau năm 1980, chính quyền vận động bà con chuyển ra tái định cư ở thị trấn Lạc Dương, hiện tại bà con vẫn từ ngoài thị trấn vào khu vực này làm nương rẫy.
Tuy nhiên, cánh rừng Mai anh đào nằm trên sườn núi, khu vực này rất cao và nhiều đá tảng, có nhiều cây lớn và rậm rạp, nên nhiều khả năng đây là rừng nguyên sinh chứ không phải rẫy cũ của bà con. Nếu để tình trạng xâm lấn vào rừng, biến cả cánh rừng Mai anh đào thành nương rẫy sẽ là đáng tiếc cho sự phát triển du lịch của huyện Lạc Dương.