Gia đình chị Phùng Thị Vinh, khu Mận Gạo (xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) vừa thoát nghèo năm 2017. |
Nhận diện hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều
Gia đình chị Phùng Thị Vinh, khu Mận Gạo (xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) vừa thoát nghèo năm 2017 nhờ thu hoạch xong 9 ha trồng keo và bồ đề. Nhờ tiền bán gỗ và trồng rừng, gia đình chị Vinh đã có thể xây nhà mới, mua sắm ti vi và nhiều tiện nghi khác. Trước đó, năm 2012, chị được vay vốn hơn 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để chăn nuôi, trồng rừng, mua máy sát… “Có tiền tích lũy sau 5 năm, gia đình có điều kiện thoát nghèo”, chị Phùng Thị Vinh chia sẻ.
Còn hộ gia đình anh Đinh Văn Ngư (khu Mận Gạo, xã Vinh Tiền) là một trong những hộ nghèo đang được hưởng chính sách hỗ trợ tạo sinh kế. “Do gia đình có mẹ già và 2 con nhỏ nên tôi không thể đi lao động tại các khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động như thanh niên trong bản. Gia đình có 2 sào ruộng cấy lúa và 1 ha trồng trẩu và bồ đề”, anh Ngư chia sẻ.
Năm 2015, gia đình anh Ngư được hỗ trợ mua 2 con dê và 1 con bò. Đến nay, đã sinh sôi thành đàn dê 4 con và 1 bê con. Từ đầu năm 2017, gia đình anh cũng được Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Sơn hỗ trợ 40 triệu đồng, xã Vinh Tiền hỗ trợ 10 triệu đồng để xóa nhà tạm. “Ngôi nhà này dự kiến xây hết khoảng 110 triệu đồng. Muốn sắm sửa vật dụng trong nhà phải đợi thu hoạch 1 ha trồng rừng”, anh Ngư cho biết.
Ông Đinh Công Quý, Chủ tịch UBND xã Vinh Tiền cho biết: Gia đình chị Phùng Thị Vinh do xây dựng được nhờ mới, sắm sửa nhiều tiện nghi gia đình như tivi, tủ lạnh nên chiếu theo nhận diện hộ nghèo đa chiều mới, gia đình chị Vinh được công nhận thoát nghèo. Còn với gia đình anh Đinh Văn Ngư, nếu đàn bò và dê được hỗ trợ phát triển tốt, có tiền sắm đồ đạc trong nhà thì dự kiến trong năm tới cũng sẽ đủ điều kiện thoát nghèo. Năm qua, xã đã có 8 hộ thoát nghèo. Đến nay, cả xã còn 130 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 36,1%, 58 hộ cận nghèo, chiếm 16,1%. Kinh tế của xã chỉ trông chờ vào nông lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi nên tỷ lệ thoát nghèo chậm.
“Khi chuyển sang xác định hộ nghèo theo phương pháp đa chiều với hình thức nhận diện dựa trên tài sản, một số hộ dân chưa muốn thoát nghèo nên khi đoàn khảo xác của thôn bản đến điều tra đã cất tivi, tủ lạnh… Tuy nhiên, lúc họp dân biểu quyết, mọi người trong khu cùng chấm điểm thì những tài sản hiện hữu đều được xác định đầy đủ”, ông Đinh Công Quý cho biết.
Xã Vinh Tiền là một trong 3 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn nên hộ nghèo trong xã hiện nay do thiếu đất sản xuất và một số hộ lười lao động. "Với hộ thiếu đất sản xuất như trường hợp nhà anh Đinh Văn Ngư, xã hỗ trợ phát triển chăn nuôi”, ông Đinh Công Quý cho biết.
Còn theo ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, là huyện trong chương trình 30a duy nhất của Phú Thọ, nguồn thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu là nông - lâm nghiệp. Đất thì rộng nhưng vẫn có hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. “Một số hộ ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước và không muốn thoát nghèo. Do đó, khi chuyển sang phương pháp đo lường nghèo đa chiều, nhất là phương pháp nhận diện hộ nghèo trên tài sản, nhiều hộ nghèo không đồng ý; nhất là lúc bình xét hộ nghèo, những dòng họ đông trước kia thường muốn có nhiều gia đình trong họ được nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi. Nhưng năm 2017 là đến năm thứ 2, người dân đồng tình cao bởi tính hợp lý và thắc mắc không nhiều. Bà con ít lên xã, lên huyện khiếu kiện như trước đây”, ông Vũ Tiến Bắc cho biết.
Do kinh tế địa phương phụ thuộc chủ yếu vào nông lâm nên phụ thuộc lớn vào chu kỳ trồng rừng đến chục năm hoặc chu kỳ chăn nuôi phải 2-3 năm. “Hiện chúng tôi đang kỳ vọng khu du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn phát triển sẽ tạo điều kiện phát triển dịch vụ du lịch. Hiện cả huyện mới có 1 doanh nghiệp vào đầu tư và giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động”, ông Bắc chia sẻ.
Để đồng tiền đúng mục đích
Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Khi chuyển đổi phương pháp đo lường từ nghèo đơn chiều sang đa chiều, bộ công cụ đánh giá có sự chuyển đổi khiến nhiều địa phương lúng túng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, các địa phương đánh giá bộ công cụ đo lường đã công bằng, minh bạch hơn. Phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhận dạng hộ nghèo chứ không tính toán cụ thể như trước. “Đo lường trước đây phân biệt xe máy cũ, xe máy mới….tức là tính toán vào giá trị của tài sản và dễ sinh ra đánh giá cảm tính. Còn phương pháp đo lường mới dựa trên nhận dạng vào giá trị sử dụng.
Gia đình anh Đinh Văn Ngư (xã Vinh Tiền, Tân Sơn, Phú Thọ) được hỗ trợ bò để phát triển chăn nuôi thoát nghèo. |
Trong phương pháp đo lường nhận dạng hộ nghèo trước đây, cộng đồng là người quyết định nhưng phương pháp đo lường nghèo đa chiều, cộng đồng là người bình xét trên các tiêu chí sẵn có. Do đó, hiện tượng, gia đình cất ti vi, tủ lạnh, thậm chí xây nhà khang trang sẽ không qua được “mắt” cộng đồng. Dựa trên bình xét đó, chủ tịch xã, phường sẽ là người ra quyết định công nhận hộ nghèo. “Nếu phát hiện sai về công nhận hộ nghèo thì chủ tịch xã, phường sẽ là người chịu trách nhiệm. Cộng đồng giám sát nên trường hợp hưởng sai sẽ sớm bị phát hiện sai phạm”, ông Ngô Trường Thi cho biết.
Khi đã xác định đối tượng, phân loại đối tượng nghèo, thiếu chiều nào sẽ hỗ trợ chiều đó. “Tuy vậy, không phải thiếu chiều nào cũng sẽ được hỗ trợ bằng tiền. Ví dụ, khi xác định các hộ thiếu hụt về nước sạch- vệ sinh môi trường thì không có nghĩa là sẽ cấp tiền cho làm về nước sạch – vệ sinh môi trường mà các cấp các ngành và chính quyền sở tại vùng đó cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân ăn ở có vệ sinh; đồng thời thông qua chương trình nước sạch vệ môi trường để người dân có thể vay vốn làm nhà vệ sinh. Hoặc như thiếu thông tin không phải là cấp tiền mua ti vi, điện thoại mà qua đó để ngành thông tin đầu tư trạm thu phát sóng để người tiếp cận thông tin. Các nguồn lực sẽ chủ yếu hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế để người dân có tiền trang thiết bị, bù đắp các chiều thiếu hụt.
“Dùng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không những không tăng nguồn tiền hỗ trợ mà sẽ sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn, nâng cao đời sống của người dân”, ông Ngô Trường Thi đánh giá.
Theo kết quả rà soát số hộ nghèo năm 2016, tỷ lệ nghèo giảm khoảng 1,6%, trong khi mục tiêu giảm từ 1-1,5%. “Cá nhân tôi chưa thấy hài lòng vì một số địa phương vẫn chạy theo bệnh thành tích với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực tế, giảm nghèo giai đoạn này rất khó khăn vì những hộ còn nằm trong diện hộ nghèo khu vực nông thôn miền núi sẽ khó khăn về đất đai sản xuất, nhân lực, nhà có người mắc bệnh….”, ông Ngô Trường Thi đánh giá.
“Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng chủ yếu nghèo do thu nhập. Các chiều còn lại không đáng kể như như giáo dục, thông tin thiếu không nhiều, khoảng 20% do thời gian qua các chính sách liên quan đến lĩnh vực này thực hiện tốt. Hiện thiếu hụt lớn nhất vẫn là nước sạch vệ sinh môi trường và nhà ở. Để giúp các hộ dân thoát nghèo, cùng với việc nhận diện đa chiều, các chính sách thời gian tới sẽ hạn chế chính sách cho không và chuyển sang hỗ trợ có hoàn trả; đồng thời mở rộng đối tượng hỗ trợ sang cận nghèo. Cùng với đó là phân cấp cho địa phương, lấy người nghèo là chủ thể, cộng đồng là quyết định. Từ đó, chính sách đầu tư sẽ thiết thực hơn với đồng bào”, ông Thi nhận xét.