Ách tắc giải phóng mặt bằng
Dự án mở rộng đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng khởi công cách đây gần 4 năm, sau khi được gia hạn, dự kiến dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Nhưng đến nay, chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc dự án nhưng khối lượng giải phóng mặt bằng tại địa bàn quận Đống Đa vẫn còn ngổn ngang.
Chia sẻ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, dự án mở rộng đường vành đai II, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng bắt đầu triển khai từ năm 2010. Nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận mới thực hiện được 171 phương án của các hộ dân và 23 cơ quan, còn phải thu hồi đất của 331 hộ dân và 2 cơ quan nữa, chủ yếu ở khu vực nút Ngã Tư Vọng và đoạn từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở. UBND quận Đống Đa đang tiếp tục giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại. Hiện nay, mặt bằng đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Tôn Thất Tùng đã cơ bản giải quyết xong, quận đang phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện các phương án để bàn giao mặt bằng đoạn này vào cuối tháng 11. Riêng đoạn từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở vẫn còn gần 300 trường hợp phải rà soát xác định nguồn gốc đất, tài sản trên đất cho các hộ gia đình để thu hồi nốt.
Đường Trường Chinh, đoạn Ngã Tư Vọng thường xuyên ách tắc nhưng dự án mở rộng đoạn đường này lại đang chậm tiến độ. |
Tại công trình nút giao ngã tư giao cắt giữa đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và Đường 5, mặc dù thành phố chỉ đạo các đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực, bảo đảm đúng tiến độ thi công trong hai năm 2014-2015. Tuy nhiên, ngoài hạng mục cầu vượt qua nút giao được xây dựng xong trước thời hạn 8 tháng và đi vào khai thác từ năm 2015, các hạng mục còn lại vẫn đang trong quá trình thi công.
Ông Nguyễn Lập Sơn, Giám đốc tư vấn dự án cho biết, đây là công trình lớn lại thi công ở cửa ngõ Thủ đô nên gặp nhiều khó khăn, rất khó để bảo đảm tiến độ công trình. Không chỉ điều kiện thi công khu vực nút giao thông lưu lượng phương tiện qua lại đông dễ gây ùn tắc mà còn bởi một hệ thống dày đặc các công trình hạ tầng cấp nước, thoát nước, cáp điện, cáp thông tin của quân sự, dân sự…, phải tính toán, di chuyển rất cẩn thận, thậm chí có công trình phải thực hiện di chuyển bằng phương thức đào bới thủ công rất mất thời gian. Yếu tố thời tiết mưa nhiều cũng làm chậm tiến độ thi công dự án.
Sẽ thay thế nhà thầu không đủ năng lực
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có các văn bản điều chỉnh về giá đất, giá bán nhà tái định cư cũng như chuẩn bị xong quỹ nhà tái định cư cho nhân dân. Dự kiến, việc đền bù giải phóng mặt bằng, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư, nhà tái định cư cho các hộ dân sẽ được thực hiện từ nay cho đến 31/11 và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào trung tuần tháng 12/2016.
“Sau khi thành phố điều chỉnh giá đất và có quỹ nhà tái định cư, cơ bản người dân đã đồng thuận, chỉ còn vướng mắc ở một số gia đình liên quan đến nguồn gốc đất, các vị trí đất cũng như đất ngoài sổ. Chúng tôi đang tiến hành điều tra, thu thập bổ sung để có xem xét điều chỉnh cho nhân dân. Các trường hợp này cũng kết thúc công tác điều tra, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để hoàn thành trong năm 2016”, ông Nguyễn Hoàng Giáp cho biết.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực thực hiện hàng loạt công trình giao thông trọng điểm và cấp bách nhằm nâng cao năng lực, hoàn thiện hạ tầng giao thông, chống ùn tắc và tai nạn giao thông. Việc triển khai đã được Thành ủy - Hội đồng nhân dân và UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo, điều hành nhưng còn một số dự án triển khai chậm, gây bức xúc cho người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, tại cuộc họp giao ban công tác với các sở, ngành quận, huyện diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã quyết liệt chỉ đạo UBND thành phố rút kinh nghiệm việc triển khai các công trình trong giai đoạn trước. Trong giai đoạn 2016 - 2020 các cấp từ thành phố đến cấp quận, huyện, thị xã nâng cao trách nhiệm quyết liệt giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm, tích cực tháo gỡ khó khăn cũng giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách trong giải phóng mặt bằng.
Đối với công trình chậm tiến độ cần xem xét, đánh giá lại chủ đầu tư, kiên quyết thay thế những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm hoặc năng lực không bảo đảm để hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn đối với những công trình triển khai đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.