'Nóng' phòng tránh đuối nước mùa hè cho trẻ

Đuối nước ở trẻ em luôn là vấn đề "nóng" mỗi dịp hè. Theo các chuyên gia, đuối nước là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tai nạn thương tích cho trẻ em.

Đuối nước - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ

Nhiều trẻ tắm sông tại sông Đáy gần địa phận chùa Non Nước, phường Thanh Bình, tỉnh Ninh Bình mà không có người lớn trông nom. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích.

Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực.

Công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em đã có chuyển biến tích cực, nhưng phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế.

Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Môi trường sống vẫn còn nhiều nguy cơ gây đuối nước, vẫn còn nơi nước sâu nguy hiểm chưa có biển báo, rào chắn, làm trẻ ngã xuống bị tử vong...

Từ năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát động toàn xã hội cùng hành động để “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”, trong đó đặc biệt chú ý tới phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết: Chương trình "Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em" đã góp phần hiệu quả thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền ở cơ ở, đặc biệt là các gia đình có con em ở nhiều độ tuổi.

Nhiều gia đình đã tự nguyện đưa con đi tập bơi, các cấp chính quyền đã có nhiều giải pháp rà soát, cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Bên cạnh đó, bản thân trẻ em cũng đã có thêm nhiều nhận thức về vấn đề này. Tuy nhiên, do địa lý đất nước ta có hệ thống biển, hồ, sông ngòi dày đặc nên khó tránh khỏi việc các em dễ tiếp cận với các nguy cơ đuối nước.

Trẻ tắm sông mà không có người lớn trông nom tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Cục trưởng Cục chăm sóc, bảo vệ trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động vận động nguồn lực hoặc tự bố trí nguồn lực để tổ chức dạy bơi cho trẻ em.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Do đó, Cục sẽ phối hợp với các ban ngành khác nhau nhằm đa dạng hóa các mô hình đã có để dạy bơi cho các em.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Tổng cục Thể dục Thể thao cũng rất quan tâm đào tạo, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên hướng dẫn bơi cho trẻ em...

Tăng cường các giải pháp đồng bộ

Những năm qua, các cơ quan chức năng luôn chú trọng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra ra với trẻ, trong đó có phòng tránh đuối nước.

Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đề ra mục tiêu: Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.

Cũng trong năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo, có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi.

Bên cạnh đó, các địa phương, trường học cần tăng cường hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích cho trẻ em...


Để góp phần ngăn chặn hiệu quả vấn nạn đuối nước ở trẻ em, tháng 4/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Việc này góp phần hỗ trợ trẻ em từ 6-15 tuổi được tiếp cận các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, được cấp cứu kịp thời khi bị đuối nước.

Vì thiếu kinh phí nên thầy giáo ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tận dụng ao tự nhiên làm hồ bơi dạy bơi cho các em học sinh. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng tới mục tiêu đến năm 2020 trên 80% trẻ em từ 6 - 15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6 – 15 tuổi; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn…

Trong dự thảo này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ khoảng hơn 2 triệu trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, hàng năm sẽ có thêm 18.000 em có nhu cầu cần hỗ trợ. Chi phí trung bình cho mỗi trẻ là 500.000 đồng.

Theo đó, trong năm đầu tiên nhà nước sẽ hỗ trợ 10% trẻ em thuộc đối tượng trên, các năm tiếp theo tăng lên 20% trẻ em, như vậy đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 50% trẻ em thuộc đối tượng chính sách được hỗ trợ học bơi, học kỹ năng an toàn.

Dự thảo cũng đề cập đến nhóm chính sách hỗ trợ trẻ em thuộc các xã, huyện nghèo nhất trong cả nước, ước tính có khoảng 994.000 trẻ em thuộc lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở cần được hỗ trợ. Dự tính tổng chi phí hỗ trợ năm đầu tiên cho mỗi xã là 106 triệu đồng, sang các năm sau mỗi năm khoảng 37 triệu đồng…

Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm cần khoảng 155 tỷ đồng để thực hiện chính sách. Các chuyên gia cho rằng, kinh phí này không phải là quá lớn...

Các chuyên gia cho rằng: Với sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng, địa phương cùng các giải pháp đồng bộ sẽ từng bước khắc phục, hạn chế tai nạn do đuối nước cho trẻ em.

Thực tế cũng cho thấy: Tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước vẫn xảy ra một phần là do thiếu sự giám sát của gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống. Vì vậy, bên cạnh giải pháp của các cơ quan chức năng thì cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo... cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa, xử lý, nhận biết những nơi nguy hiểm để tránh… Có như vậy mới hạn chế được tối đa tai nạn thương tích cho trẻ, đảm bảo cho trẻ một mùa hè vui khỏe, lành mạnh và an toàn.

Minh Huệ (TTXVN)
Cần thiết cắm biển cảnh báo ở khu vực có nguy cơ đuối nước cao
Cần thiết cắm biển cảnh báo ở khu vực có nguy cơ đuối nước cao

Mới bắt đầu vào hè, song liên tiếp từ đầu tháng 5/2017 đến nay, ở Lào Cai đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, mà đối tượng tử vong là các em nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN