Tại ấp Kênh 3, xã Vĩnh Thuận, nhiều nông dân cho biết khá tường tận các vụ việc. Người thì 4 ha đất bị thiệt hại, nhưng chỉ được nhận hỗ trợ có 1 ha là 2 triệu đồng, thay vì 8 triệu đồng. Sở dĩ có chuyện này, vì khi nông dân đến gặp cán bộ ấp để khai báo 4 ha lúa bị chết trắng, không thu hoạch và làm đơn xin hỗ trợ, nhưng chính quyền không kiểm tra, xác minh cụ thể đất lúa bị thiệt hại, nên khi nhận tiền hỗ trợ chỉ được 1 ha. Vậy mà sau khi ký tên, nhận tiền xong người dân bị cán bộ ấp kéo tay không cho đi, bắt buộc ký tên đóng các khoản quỹ tổng cộng 220.000 đồng. Đáng nói là số tiền này không có biên lai thu và không được giải thích là thu tiền gì… Tương tự, hàng trăm hộ nông dân ở ấp Kênh 3 khi vừa nhận tiền hỗ trợ xong đều bị thu lại khoản tiền một vài trăm ngàn đồng mà không được chính quyền ấp giải thích rõ ràng, không ra biên lai thu tiền.
Nhiều nông dân khác sản xuất 3 ha, lúa bị chết, sạ đi, sạ lại hai ba lần cũng không sống nổi nhưng không nhận được tiền hỗ trợ. Hay trường hợp khác nông dân bị thiệt hại 1,3 ha nhưng cán bộ ấp chỉ ghi 1 ha và khi nhận tiền cũng bị ép đóng một khoản tiền và còn phải đóng thêm 200.000 đồng tiền quỹ giao thông nông thôn. Còn người dân ở ấp Đòn Dông cũng hết sức bức xúc trước việc bị cán bộ ấp thu lại một khoản tiền mà không ra biên lai, người bị thiệt hại nặng thì nhận hỗ trợ ít, người thiệt hại ít lại được hỗ trợ nhiều và đồng một diện tích bị thiệt hại trắng nhưng mức hỗ trợ khác nhau.
Tại ấp Bờ Xáng, ấp Vĩnh Trinh, Kênh 14, xã Vĩnh Thuận, câu chuyện có nhiều khuất tất hơn. Nhiều người dân ở các ấp này thiệt hại trắng 1 ha lúa nhận hỗ trợ 1,2 triệu đồng, trong khi đó, những người khác cũng thiệt hại trắng 1 ha nhưng nhận được 2 triệu đồng. Nông dân ấp Bờ Xáng còn cho biết đã đóng các tiền quỹ do xã “đặt” ra, nhưng khi đến nhận tiền hỗ trợ thì cán bộ ấp yêu cầu về nhà lấy biên lai thu tiền thì mới cho nhận.
Trao đổi với chúng tôi ông Lâm Hiền Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận cho biết, toàn xã có trên 3.580 ha của trên 2.260 hộ ở địa bàn 9 ấp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vụ lúa mùa 2015 - 2016. Trong đó có hơn 3.410 ha bị thiệt hại từ 70 - 100% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, còn lại thiệt hại từ 30 đến dưới 70% được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Theo quy trình xét hỗ trợ, cán bộ xã cùng cán bộ ấp xuống nắm số hộ, diện tích thiệt hại báo về xã tổng hợp, sau đó họp Ban chấp hành Đảng bộ xã xem xét, lập danh sách gửi về huyện và sau đó niêm yết tại UBND xã.
Tuy nhiên, khi biết có tiền hỗ trợ, nhiều ấp “áp dụng chủ trương” kiểu “tận thu” và buộc người dân phải đóng tiền ngay sau khi nhận tiền. Một số ấp thì lại buộc người dân phải nộp tiền trước mới cho lĩnh tiền hỗ trợ. Nhiều người dân đã đóng các khoản thu, thì họ buộc phải về nhà lấy biên lai nộp tiền cho họ xem thì mới cho nhận tiền hỗ trợ.
Theo ông Lâm Hiền Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, việc này Đảng ủy, UBND xã không có chủ trương, bởi đây là các khoản tiền thu quỹ hàng năm như: Quỹ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, đền ơn đáp nghĩa… Vụ việc này đã có nghe người dân phản ánh và không đồng tình với cách làm này của ấp. UBND xã cũng nhắc nhở các ấp không được thu tiền các quỹ này từ tiền hỗ trợ thiên tai của Chính phủ.
Thế nhưng, ông Lâm Hiền Lương cũng cho biết, trước đến giờ mới có khoản tiền hỗ trợ này, khi cán bộ ấp đến thu tiền quỹ, người dân hứa khi nào có tiền hỗ trợ sẽ đóng luôn nên các ấp mới làm như vậy. Còn việc thu không có biên lai là do ở xã và huyện cùng hết, khi nào có sẽ đưa cho các hộ dân đã thu trước đó.
Ông Lâm Hiền Lương cũng khẳng định là chỉ chi có hai mức hỗ trợ là 1 triệu và 2 triệu đồng. Thế nhưng, khi tìm hiểu thực tế thì không phải vậy, nhiều người dân tỏ ra bức xúc với cách làm của xã Vĩnh Thuận. Có hộ 1 ha nhưng chỉ nhận 1,3 triệu đồng hoặc 1,4 triệu đồng hay 1,5 triệu đồng; đáng nói hơn, có nhiều trường hợp có cùng một diện tích đất nhưng được nhận hai lần tiền hỗ trợ và số khác thì không được nhận đồng nào. Về việc này, ông Lâm Hiền Lương xác nhận là có và ông cho biết là do khâu lập danh sách sai sót. Các trường hợp đó, UBND xã sẽ vận động nộp trả lại, nếu không sẽ xử lý theo pháp luật. Còn những trường hợp không nhận được tiền hỗ trợ lần này, UBND xã hướng dẫn người dân làm đơn lên xã, xã sẽ tổng hợp gửi về huyện.
Nhiều người dân khi tiếp chuyện khẳng định, cách thu tiền quỹ theo kiểu “áp đặt” của chính quyền địa phương ở xã Vĩnh Thuận đã gây ức chế trong dân. Điển hình như việc thu quỹ đền ơn đáp nghĩa. Khi người dân bị thiên tai không có tiền đóng thì bị ghi nợ, nợ năm này qua năm khác. Nhiều người dân cho biết, quỹ đền ơn đáp nghĩa là thiêng liêng, thể hiện lòng thiện nguyện của người dân, khi họ có ít đóng ít, có nhiều góp nhiều chứ không nên áp đặt người dân phải đóng tiền và ghi vào sổ là “thiếu nợ”.
Trước thực trạng bất hợp lý trong việc xét hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã có Công văn số 411/SNNPTNT-KHTC ngày 24/5/2016 về việc kiểm tra, xử lý các trường hợp cấp hỗ trợ thiệt hại lúa không đúng quy định trong vụ hè thu, thu đông 2015 và vụ mùa, đông xuân 2015-2016. Theo đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết, trong quá trình đi cơ sở, nhiều người dân đã bức xúc phản ảnh tình trạng này đến lãnh đạo tỉnh. Để chấn chỉnh tình hình hỗ trợ thiệt hại lúa ở một số nơi chưa đúng quy định, không để bức xúc trong dân, Sở đề nghị UBND các huyện, thị, chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra lại các trường hợp có khiếu kiện, họp dân bình nghị, xử lý thu hồi trường hợp cấp không đúng quy định.