Sáu tháng đầu năm 2108, Cục đã tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là trong công tác bảo vệ nguồn nước, hành lang lưu vực sông, ông cho biết cụ thể như thế nào?
Năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao thực hiện 15 dự án, nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ quy hoạch, trong đó có 13 dự án nhiệm vụ chuyển tiếp và 2 dự án, nhiệm vụ mở mới. Đến nay, 2 Đề án Chính phủ chuyển tiếp là Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” và Đề án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” đang được Cục triển khai thực hiện theo kế hoạch được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Cục cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số đề án nhiệm vụ mở mới như: Đề án Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam; Đề án Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long; định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững nước dưới đất…
Bên cạnh đó, căn cứ chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao xây dựng 1 Nghị định, 2 Thông tư và 3 Quyết định trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; Thông tư quy định nội dung, biểu mẫu, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước; Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh. Đến nay, các văn bản đang được hoàn thiện theo đúng tiến độ đặt ra.
Đặc biệt, tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, hiện nay đã có 100% hồ chứa thủy lợi thủy điện nằm trong hệ thống quy trình vận hành liên hồ chứa đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước, Cục đang triển khai thực hiện rà soát, thu thập quy hoạch tài nguyên nước của các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước đến năm 2025, định hướng đến 2035 và chuẩn bị triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc.
Tính đến 15/6/2017, Cục Quản lý tài nguyên nước đã cấp và cấp lại 83 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước (trong đó có 24 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 1 giấy phép khai thác nước dưới đất; 4 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 3 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 51 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển). Cục đã thu phí thẩm định cấp phép được 1.327 triệu đồng, đạt 147% kế hoạch đặt ra. Hiện, Cục cũng đang tập trung cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt cho các tổ chức cá nhân đạt khoảng 45%.
Ông có thể cho biết những khó khăn, tồn tại của công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay?
Công tác quản lý về tài nguyên nước vẫn còn một số khó khăn, tồn tại do thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn thiếu, phân tán. Trong khi đó, nhu cầu thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở cả cấp Trung ương và các địa phương cần đầy đủ và đồng bộ.
Mặt khác, việc lập quy hoạch tài nguyên nước triển khai còn chậm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước tuy đã được tăng cường thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước còn mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, kinh phí cấp cho công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước còn hạn chế, vì vậy việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước chưa kịp thời.
Ngoài ra, kinh phí bố trí để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, các nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng còn hạn hẹp khiến nhiều dự án bị kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Các nhiệm vụ có tính phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành. Cụ thể, một số dự án như: Điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc; lập quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước hiện nay được cấp kinh phí thiếu so với tiến độ thực hiện đã phê duyệt, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Trong những tháng cuối năm, Cục sẽ thực hiện các giải pháp gì để công tác quản lý tài nguyên nước đạt hiệu quả hơn?
Trong những tháng tới, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo ý kiến góp ý Bộ Tư pháp. Hoàn thiện các dự thảo Quyết định, dự thảo Quy trình, dự thảo Tờ trình, Bảng tổng hợp, giải trình ý kiến góp ý và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh.
Đồng thời, xây dựng dự thảo Thông tư quy định nội dung, biểu mẫu, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước; Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc. Đặc biệt là chú trọng việc quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đưa vào vận hành hệ thống quan trắc giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục tích cực triển khai Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tập trung triển khai, thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất. Ngoài ra, thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước; tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; triển khai xây dựng, hoàn thiện nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động của Cục.
Trân trọng cảm ơn ông!