Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại: Bài 2- Tăng cường kiểm soát và nâng cao nhận thức

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành chức năng đã ban hành chính sách, biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại; hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông, song nhận thức và năng lực quản lý sinh vật ngoại lai vẫn còn nhiều hạn chế.

Chưa điều tra, khảo sát tổng thể

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của sinh vật ngoại lại xâm hại đã được thực hiện ở nhiều tỉnh nhưng chưa thường xuyên, chủ yếu khi có phát sinh vụ việc và có chỉ đạo từ có quan quản lý Trung ương.

Chú thích ảnh
Phóng sinh rùa tai đỏ sẽ gây hại cho môi trường sống của các loài bản địa. Ảnh theo: vietnamplus.vn

Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại. Trên thị trường, việc mua bán rùa tai đỏ để phóng sinh vẫn tồn tại  vào các dịp lễ, Tết... Bởi vậy, các nguy cơ ảnh hưởng của các loài này đối với môi trường, đa dạng sinh học và các ngành sản xuất liên quan vẫn còn hiện hữu.

Do nguồn kinh phí và nhân lực hạn chế, các địa phương chưa tổ chức điều tra, khảo sát tổng thể sự có mặt của sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn. Hầu hết các địa phương chưa tiến hành được các hoạt động tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý, đặc biệt là các đơn vị kiểm dịch trong kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại.

Việc nhận diện và xác định chính xác loài ngoại lai xâm hại trong nhiều trường hợp cần kiến thức và trình độ chuyên môn. Các sinh vật ngoại lai xâm hại khi đã thiết lập được quần thể và phát tán thì việc diệt trừ triệt để rất khó khăn.

Các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Luật Đa dạng sinh học mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại.

Các quy định chưa đề cập đến các yêu cầu cụ thể để quản lý loài ngoại lai xâm hại, một số nội dung khác chưa được quy định như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh… vì thế, trong thực  tế, pháp luật chưa có tính bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn.

Luật cũng không quy định cần có các hướng dẫn dưới luật cho các vấn đề này. Vì vậy, trong thực tế, việc ban hành các văn bản dưới luật khó khăn. Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại chưa được thống nhất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng thực thi pháp luật mỏng, mặt khác việc mua bán chủ yếu không công khai tại các cơ sở buôn bán, cửa hàng kinh doanh mà chủ yếu thông qua mạng xã hội nên khó phát hiện, xử lý, kiểm soát.

Nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới rất thấp, chưa biết rõ tác hại của tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp; không nắm vững quy định của pháp luật có liên quan.

Đường biên giới các tỉnh giáp với Trung Quốc dài, có nhiều đoạn đường núi, sông hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, lực lượng thực thi pháp luật mỏng nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát, tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Phối hợp liên ngành trong quản lý

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị phối hợp liên ngành trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo đó, Bộ là đơn vị chủ trì tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại trong quá trình sửa đổi Luật Đa dạng sinh học 2008 và xây dựng hướng dẫn quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; định kỳ cập nhật bổ sung và công bố Danh mục các loài ngoại lai xâm hại; tăng cường phối hợp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; tuyên truyền, phổ biến thông tin và xây dựng năng lực về quản lý loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và quy trình khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu và phát triển loại ngoại lai không gây tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học; tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi, trồng các loài ngoại lai và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; xây dựng năng lực và tăng cường công tác kiểm dịch biên giới nhằm kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với 3 loài cá ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã được cấp phép sản xuất kinh doanh hiện nay là  cá chim trắng toàn thân,  cá hoàng đế và cá trê phi cần có theo dõi, đánh giá tình hình gây nuôi, phát triển các loài này và ghi nhận những ảnh hưởng của các loài đối với đa dạng sinh học.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng trái phép loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về tác hại của loài ngoại lai xâm hại và quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết, thực hiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường tổ chức việc thực hiện nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát hiện, khảo nghiệm, phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro đến môi trường và đa dạng sinh học, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại; đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học trong việc áp dụng phương pháp phòng trừ sinh học và giải pháp tổng hợp trong kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam; nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ để xác định hướng lây lan của các loài ngoại lai xâm hại dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp phục hồi hệ sinh thái bằng các loài cây bản địa nhằm ngăn ngừa sự tái xâm nhập của loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, chỉnh sửa, bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, các bộ, ngành cùng khẩn trương vào cuộc, không bị động trong các trường hợp đột xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để kiểm soát tình trạng các loài ngoại lai mới xâm hại.

Tổng cục Môi trường phải kịp thời có đánh giá dài hơi thực trạng của các loài ngoại lai xâm hại trên cả nước, đưa ra các giải pháp làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát, cô lập và diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường kiểm soát tại các chợ biên giới, nhà hàng, đặc biệt là kiểm soát việc bán hàng qua mạng xã hội. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu  hủy theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

 

Minh Nguyệt (TTXVN)
Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại: Bài 1- Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại
Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại: Bài 1- Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại

Thời gian qua, có nhiều vụ việc buôn bán, nhập khẩu, phát triển trái phép loài ngoại lai xâm hại ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt gần đây là vụ việc tôm hùm nước ngọt. Việc quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại có sự tham gia của nhiều ngành, cấp, song nhận thức và năng lực quản lý còn hạn chế. Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết làm rõ thực trạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN