Ở vùng miền núi, tỉnh Quảng Trị có 30 xã, thị trấn thuộc khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét; tập trung ở các huyện: Hướng Hóa có 15 xã, thị trấn; Đakrông có 9 xã, thị trấn; các xã còn lại ở huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh. Ở vùng này cũng có 27 xã, thị trấn nằm trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, tập trung ở các huyện: Hướng Hóa 14 xã, Đakrông 11 xã, Vĩnh Linh 1 thị trấn, Gio Linh 1 xã.
Riêng vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất từ các dự án điện gió đang triển khai có 7 xã; trong đó 6 xã, thị trấn ở huyện Hướng Hóa gồm: Húc, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Liên, Tân Lập và thị trấn Khe Sanh có 147 hộ với 670 khẩu; xã còn lại là Hướng Hiệp, huyện Đakrông có 12 hộ với 72 khẩu. Các xã này nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất từ các dự án điện gió là do khi triển khai các dự án, chủ đầu tư đã mở đường phục vụ thi công, vận chuyển thiết bị máy móc; quá trình thi công tạo những bãi đất thải có nguy cơ sạt trượt gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy nên có khả năng gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, giải pháp để ứng phó với nguy cơ sạt lở đất từ các dự án điện gió là hạ thấp độ cao và gia cố các bãi đất thải; đồng thời gia cố chân, mái ta luy các tuyến đường phục vụ thi công. Đồng thời tỉnh tiến hành lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát để xử lý kịp thời nếu có sự cố; di dời tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn và trồng rừng thay thế.
Đối với 27 xã, thị trấn nằm trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của sạt lở đất vào mùa mưa, tỉnh đã lên phương án chuẩn bị về lực lượng, phương tiện để di dời 1.447 hộ với trên 6.800 khẩu đến nơi an toàn. Tương tự, tỉnh cũng đã lên phương án di dời trên 2.200 hộ với hơn 8.900 khẩu ở 30 xã, thị trấn thuộc khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng yêu cầu, chủ đầu tư các dự án điện gió có phương án khắc phục kịp thời những bãi thải có nguy cơ sạt lở đất; gia cố đề phòng sạt trượt mái ta luy của những con đường phục vụ thi công dự án, trước mùa mưa bão năm 2021; phục hồi nguyên trạng diện tích đất sử dụng tạm thời, sau khi dự án đi vào hoạt động. Các ban, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát phương án phòng chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; khoanh vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét chi tiết đến từng hộ dân và nhân khẩu để có phương án di dời; xác định, cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để giúp người dân chủ động phòng ngừa, có kế hoạch di dời dân bảo đảm an toàn.